Chủ Nhật, 06/01/2019, 09:40 (GMT+7)
.

Chuyện về một thầy giáo làm kinh tế giỏi

Về xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè), hỏi anh Thái Văn Tràng thì ai cũng tấm tắc ngợi khen; bởi anh là một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi có tiếng của xã. Cách đây 20 năm, anh là người tiên phong trồng cam sành và đã thành công, mở hướng phát triển cho cây cam sành trên vùng đất Mỹ Lợi A.

Giờ đây, anh lại là một trong những người “mở đường” cho cây sầu riêng “bén rễ” trên vùng đất này với phương pháp canh tác độc đáo.

Anh Thái Văn Tràng là người “mở đường” cho cây sầu riêng phát triển ở vùng “rốn” lũ - xã Mỹ Lợi A.
Anh Thái Văn Tràng là người “mở đường” cho cây sầu riêng phát triển ở vùng “rốn” lũ - xã Mỹ Lợi A.

ĐI ĐẦU PHONG TRÀO TRỒNG CAM SÀNH

Trước đây, vùng đất xã Mỹ Lợi A được xem là “rốn” lũ của huyện Cái Bè, người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín (năm 2002), người dân trong xã bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn trái.

Anh Thái Văn Tràng cho biết: “Trước đây, vườn nhà tôi trồng bưởi xen cam sành. Mặc dù chăm sóc bưởi nhưng tôi thấy cây cam sành vẫn phát triển tốt. Thời điểm đó, giá cam sành rất cao mà ở địa phương chưa có người trồng, nên tôi quyết định chuyển hẳn sang trồng cam”.

Thu được kết quả khả quan từ cây cam sành, anh Tràng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân xung quanh. Không những giỏi trong chăm sóc cây ăn trái phát triển tốt, cho năng suất cao, anh còn được xem là “bậc thầy” về xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ để bán giá cao. Từ thành công và những kinh nghiệm chia sẻ của anh Tràng, phong trào trồng cam sành phát triển nhanh chóng ở xã Mỹ Lợi A.

Thời đó, cam sành bán được giá, nên đời sống người trồng cây ăn trái này được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, vùng đất Mỹ Lợi A không ưu ái mãi cho người dân nơi đây. Do canh tác nhiều năm nên thổ nhưỡng nơi này không còn thích hợp để trồng cây cam sành. Khi đó, cây cam sành dễ mắc các bệnh khó chữa trị dẫn đến năng suất thấp. Đời sống người dân bấp bênh, những người trồng cam lại trăn trở tìm hướng đi mới.

“MỞ ĐƯỜNG” CHO CÂY SẦU RIÊNG

Anh Tràng lại một lần nữa tiên phong thử nghiệm với cây sầu riêng. Anh về “xứ sở” sầu riêng ở huyện Cai Lậy, tìm đến những cơ sở bán phân thuốc để nhờ họ tư vấn cách trồng sầu riêng. Đồng thời, anh tìm đến những nhà vườn giỏi, có tiếng ở các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình để học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái đặc sản này.

Thế nhưng, việc trồng sầu riêng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao không thể học trong “ngày một ngày hai” là được. Hơn nữa, thổ nhưỡng, cách chăm sóc sầu riêng ở các xã như Tam Bình, Ngũ Hiệp cũng khác so với ở xã Mỹ Lợi A.

Anh Tràng cho biết: “Tôi quyết tâm đưa loại cây trồng mang giá trị kinh tế cao như sầu riêng về vùng đất này để giúp người dân trong xã có đời sống khá hơn. Là người đi tiên phong nên tôi chấp nhận thất bại để rút ra những kinh nghiệm cho mình và cho người dân nơi đây”.

Do lường trước được những khó khăn nên lứa sầu riêng đầu tiên phát triển không tốt đã không làm anh nản lòng. Ngược lại, qua đó cho anh những kinh nghiệm bổ ích, tăng thêm động lực giúp anh “nung nấu” ý tưởng đưa cây sầu riêng về vùng “rốn” lũ.

Rút kinh nghiệm từ lứa đầu tiên, lứa sầu riêng thứ hai của anh Tràng phát triển rất tốt. Chẳng những vậy, anh Tràng còn tự mày mò nghiên cứu ra những phương pháp canh tác độc đáo. Anh không đào các rãnh xung quanh cây như nhiều nhà vườn đã làm, để rễ cây được phát triển tối đa. Còn về phương pháp xử lý ra hoa nghịch vụ, anh không đậy mũ ni lông như các hộ dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy nhằm giảm chi phí và công chăm sóc.

Theo anh Tràng, để cây ra hoa, người trồng có thể sử dụng thuốc “kích” với liều lượng vừa đủ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều người xung quanh ngỡ ngàng với cách chăm sóc độc đáo của anh Tràng.

Và càng ngỡ ngàng hơn khi những cây sầu riêng trong vườn của anh phát triển rất tốt, cho năng suất không kém so với những vùng chuyên trồng sầu riêng ở các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình. Hiện tại, vườn sầu riêng của anh Tràng cho năng suất trên 10 tấn/ha. Với giá sầu riêng trên thị trường luôn ở mức cao, vườn sầu riêng 1,5 ha của anh cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Thành công của anh Tràng như “chất kích thích” giúp cây sầu riêng phát triển mạnh ở vùng đất được mệnh danh là “rốn” lũ của huyện Cái Bè. Không chỉ tìm tòi phương pháp mới trong canh tác cây trồng làm giàu cho gia đình, anh Tràng còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm có được cho những hộ dân xung quanh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lợi A Cao Tấn Ngoãn cho biết: “Anh Tràng là một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở xã. Không những mạnh dạn đi tiên phong với những cây trồng mới, anh Tràng còn là một nông dân nhạy bén tìm các phương pháp chăm sóc mới giúp cây sầu riêng phát triển tốt, phù hợp với vùng đất Mỹ Lợi A. Vì thế, nhiều năm liền anh được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.

Dạo quanh vườn sầu riêng xanh tốt của anh Tràng, ít ai nghĩ đó là khu vườn của một giáo viên đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Mỹ Lợi A. Anh Tràng cho biết, trồng trọt chỉ là nghề tay trái trong những lúc rảnh rỗi công việc ở trường. Để không ảnh hưởng đến việc dạy học, anh thuê nhân công và hướng dẫn họ chăm sóc sầu riêng đúng theo yêu cầu của mình.

“Mỗi nghề đều có niềm đam mê riêng. Trồng cây cũng giống như “trồng người”, phải dành sự quan tâm, chăm sóc, ân cần thì mới phát triển được. Niềm vui khi thu hoạch trái cũng giống như khi những học trò của mình gặt hái được thành công trên bước đường đời” - anh Tràng chia sẻ.

QUỐC TUẤN

.
.
.