Thứ Bảy, 19/01/2019, 10:17 (GMT+7)
.

Ngành hàng cá tra phát triển nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (Vinapa) tại hội thảo: "Chất lượng sản phẩm – nền tảng phát triển bền vững ngành cá tra”.

a
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Vinapa, năm 2018 ngành hàng nuôi trồng chế biến cá tra xuất khẩu đã tạo nên bước đột phá mọi mặt: diện tích, sản lượng, giá nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu đều đạt cao nhất. Đặc biệt với giá cá nguyên liệu dao động từ 30.000-35.000 đồng trong thời gian dài đã mang lại tỷ suất lợi nhuận cho người nuôi gần 50%.

Mức “siêu” lợi nhuận này đã kích thích nhiều quốc gia như Myanmar, Philipines, Trung Quốc, Thái Lan… đã nhảy vào ngành hàng này, con cá tra Việt Nam đã qua rồi cái thời một mình một chợ, năm 2019 và các năm tiếp theo dự báo ngành hàng cá tra sẽ gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với các quốc gia trong khu vực có điều kiện phát triển ngành hàng này.

“Để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững thì cần phải hạn chế phát triển ào ạt vùng nuôi và kiểm soát giá theo hướng đảm bảo mức lợi nhuận vừa phải, không nên để ngành hàng này phát triển quá nóng như hiện nay”, ông Dũng đề xuất.

a
Cần hạn chế tình trạng ồ ạt phát triển diện tích nuôi cá tra.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa cho biết, năm 2018, ngành hàng cá tra đã đột phá trên tất cả các mặt; về giá trị xuất với sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn, giá cá tra nguyên liệu đạt ở mức cao trên 35.000 đồng/kg, xuất khẩu cũng có tín hiệu khả quan, với thị trường Trung Quốc tăng cao, kèm theo thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá sơ bộ POR 14 thấp hơn cũng như Cục kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) đề xuất công nhận  cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trước thuận lợi đó thì việc gia tăng sản lượng nguyên liệu trong thời gian tới bên cạnh việc phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, đồng thời cũng quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất. Hiệp hội nhận định việc thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ươm, sử dụng chế phẩm sinh học, vắc xin để tăng sức đề kháng cho cá giống; trong khâu nuôi thương phẩm gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường qua các giải pháp xử lý chất thải, ứng dụng IoT trong kiểm soát môi trường tự động để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh...

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.