Thứ Sáu, 18/01/2019, 11:08 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhiều "điểm sáng" năm 2018

20 nhóm chỉ tiêu kế hoạch đề ra về kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong năm 2018 đều đạt và vượt, đặc biệt một số chỉ tiêu quan trọng như: Thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn… về đích trước 1 tháng. Thành tựu chung với nhiều điểm sáng mới sẽ mở đà thuận lợi để tỉnh bước vào năm 2019 - năm áp cuối của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Trong năm 2018, chỉ tiêu phát triên doanh nghiệp đã về đích trước 1 tháng. Ảnh: Vân Anh
Trong năm 2018, chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp đã về đích trước 1 tháng. Ảnh: Vân Anh

 Năm 2018 là năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự điều hành và phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức cao của kế hoạch đề ra; còn xét về quy mô kinh tế thì GRDP của Tiền Giang năm qua đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Long An và Cần Thơ); GRDP bình quân đầu người đạt 47,6 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra, cao hơn bình quân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 3/13 địa phương trong vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ở khu vực phi nông nghiệp; các chỉ tiêu sản lượng lương thực, thủy sản, công nghiệp, xuất khẩu, du lịch... đều tăng khá so cùng kỳ.

Đặc biệt, thu nội địa của tỉnh lần đầu tiên về đích trước 1 tháng (tính trong 3 năm 2016 - 2018, bình quân thu nội địa năm sau cao hơn năm trước trên 1.000 tỷ đồng). Trong đó, một phần của việc thu nội địa tăng là do doanh nghiệp liên tục tăng: Cuối năm 2018, toàn tỉnh có 5.123 doanh nghiệp hoạt động, đạt sớm hơn 2 năm so mục tiêu Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy đã đề ra (năm 2020 có trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động). Tính chung 3 năm 2016 - 2018, Tiền Giang có 1.930 doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,5 lần so với 3 năm trước đó...  

DẤU ẤN NĂM BẢN LỀ

Bên cạnh kết quả tổng quan về kinh tế - xã hội, một số kết quả trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cũng có nhiều điểm sáng, nổi bật. Trước hết là việc tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Chỉ 5 tháng sau hội nghị, trong số 49 dự án trao chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu và mời gọi đầu tư với tổng vốn trên 35 ngàn tỷ đồng, có 18 dự án triển khai thi công xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019, 12 dự án đang khẩn trương thực hiện quy trình đầu tư và 19 dự án mời gọi đầu tư đã có 19 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu 13/19 dự án... Tiếp đó là việc Tiền Giang được đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Đặc biệt, năm qua cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm, tỉnh đạt mục tiêu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 mặt (số vụ giảm 19,5%, số người chết giảm 17,5% và số người bị thương giảm 21,5%, bình quân cả 3 tiêu chí giảm 19,5%). 

Bên cạnh đó, sau nhiều năm tích cực phối hợp, làm việc với các cơ quan liên quan, Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (285 ha) đã chính thức bàn giao cho tỉnh quản lý, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong năm 2019. Cùng với đó, việc hình thành thêm khu vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn mới tại khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh sẽ tạo thêm điểm nhấn cho TP. Mỹ Tho - đô thị trung tâm của Vùng trung tâm tỉnh.

Trong đó, trước hết là hoạt động Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch gắn với các hoạt động phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Kỷ Hợi 2019 tại khu vực này. Thêm nữa, Tiền Giang xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Index 2018)...

Một điểm cũng cần được nhắc đến là nhiều sự việc bức xúc trong nhân dân kéo dài nhiều năm đã cơ bản được giải quyết, hoặc đã “giảm nhiệt hẳn” như: Khai thác cát trái phép, dịch vụ karaoke di động gây tiếng ồn, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ngoài ra, điểm sáng mới trong năm 2018 là lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của nhân dân tại các xã, phường, thị trấn góp ý xây dựng chính quyền (đã gặp gỡ nhân dân trên 30 xã, phường, thị trấn) để qua đó có giải pháp tiếp tục nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... Có thể nói, những nỗ lực trên đã mang lại bầu không khí mới, phấn khởi trong nhân dân. 

NĂM 2019: ĐỘT PHÁ ĐỂ THAY ĐỔI

2019 là năm có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khẳng định, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Theo đó, bên cạnh việc triển khai công tác lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên hàng đầu của tỉnh vẫn là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, giải pháp về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh, phát triển du lịch, phát triển đô thị, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp... Song song đó, tỉnh tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thu hút đầu tư phát triển. Trước mắt là đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành các thủ tục và đi vào triển khai các dự án đã được cam kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018; đồng thời, rà soát, chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư khu vực công nghiệp phía Đông của tỉnh. Tỉnh cũng làm tốt công tác chuẩn bị mặt bằng, cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư phát triển khu vực Đông Nam huyện Tân Phước gắn với phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị - dân cư khu vực này...

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, cùng với cải cách mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong chính quyền là rất quan trọng. Chính vì vậy, vừa qua tỉnh đã thống nhất với Tập đoàn VNPT triển khai thí điểm Đề án Chính quyền số cho tỉnh để phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở dữ liệu thực, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số trong tương lai. Với nhiều điểm sáng “mới” trên, Tiền Giang hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo những bước đột phá trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.