Thứ Hai, 18/03/2019, 15:15 (GMT+7)
.

Bước tiến mới để phát triển cây ăn trái?

Mặc dù được đánh giá còn nhiều tiềm năng, dư địa rất lớn nhưng cây ăn trái của cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng cũng chịu rất nhiều áp lực để phát triển một cách bền vững.

Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Cát Tường.                                                   	    			                                                                                                                                                Ảnh: P.A
Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: P.A

Nhận định này một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức vào ngày 15-3 tại tỉnh Long An. Sau khi đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển đối với cây ăn trái các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nhu cầu tiêu dùng trái cây trong nước cũng tăng rất nhanh, chưa kể phục vụ cho khách du lịch và xuất khẩu.

Chính vì vậy, trái cây là ngành hàng rất có tiềm năng để phát triển nên Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các địa phương tập trung đầu tư sản xuất cây ăn trái theo hướng hiệu quả và khả thi nhất. Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trái cây không chỉ cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà nổi lên là ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng rất nhanh và bền vững. Nếu như năm 2013 xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,07 tỷ USD, đến năm 2018 đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng trung bình 30% trong vòng 5 năm gần đây.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, dựa trên thực trạng và xu hướng trong thời gian tới, tiềm năng và dư địa của trái cây vẫn còn rất lớn nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, đa dạng giống cây, nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Chưa kể, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,8 tỷ USD nhưng cũng chỉ chiếm 1 phần 4 thị trường thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực, có cách làm căn cơ hơn để phát triển cây ăn trái một cách đồng bộ, bền vững hơn.

“Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án phát triển cây ăn trái trong bối cảnh còn nhiều dư địa và tiềm năng, bắt đầu từ xác định lợi thế của từng nhóm cây, quy mô diện tích cho từng địa phương, từng vùng, quy trình kỹ thuật; đồng thời, làm tốt công tác mở cửa thị trường cũng như bảo quản, chế biến”- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục tăng trưởng những năm gần đây, từ hơn 151 triệu USD năm 2003 đã đạt 3,81 tỷ USD năm 2018; trong đó đáng chú ý là thanh long đã đạt 1,1 tỷ USD. Theo đánh giá chung, tiềm năng xuất khẩu trái cây còn rất lớn, nhất là sau khi nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho trái cây của Việt Nam…

Minh họa thêm về tình hình xuất khẩu cũng như dư địa về xuất khẩu trái cây, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Trần Văn Công cho biết, trong hơn 3,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018, có 55 thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam. Trong đó, có 14 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD,

5 thị trường xuất từ 10 - 20 triệu USD và 36 thị trường xuất từ 1 - 10 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng trong năm 2019 sẽ gặp rất nhiều thách thức vì thị trường lớn nhất của trái cây Việt Nam là Trung Quốc (chiếm hơn 81% giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam) áp dụng chính sách thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh chính ngạch; yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp giấy phép nhập khẩu, chứng thư xuất khẩu và thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu. “Giải pháp đối với thị trường Trung Quốc là rà soát, quy hoạch thanh long, dưa hấu, không phát triển tràn lan, có quy hoạch và quản lý chỉ đạo sản xuất phù hợp; đồng thời, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây các quy định của Trung Quốc; khuyến cáo doanh nghiệp thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế đối với các đối tác của Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm”- Phó cục trưởng Trần Văn Công nhấn mạnh.

Là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng trái cây lớn của cả nước, Tiền Giang cũng rất kỳ vọng vào tương lai của trái cây trong chặng đường sắp tới. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa cho rằng, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp sản xuất rau quả có đóng góp trong giá trị xuất khẩu của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, các sản phẩm xuất khẩu bao gồm: Nước dứa cô đặc, khóm đông lạnh, thanh long, xoài, sầu riêng, dứa đóng hộp và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh, thành khác, trái cây của Tiền Giang cũng gặp không ít khó khăn như tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến, ngoại trừ một số cây ăn trái tập trung chuyên canh; sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng rất ít so với tổng sản lượng, hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, do số lượng cung cấp không đủ, quy cách, chất lượng không đạt yêu cầu của khách hàng. Chưa kể, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ; hạ tầng giao thông phục vụ cho sản xuất còn nhiều hạn chế...

A.P

.
.
.