Thứ Tư, 20/03/2019, 10:21 (GMT+7)
.

Cẩn trọng tăng diện tích thanh long

Đó là khuyến cáo được đưa ra trước tình trạng diện tích trồng thanh long ở các tỉnh, thành tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, trong đó có Tiền Giang.

1. Khuyến cáo được đưa ra dựa trên cơ sở diện tích trồng thanh long hiện hữu của các tỉnh, thành trên cả nước đang tăng rất nhanh, chưa kể yếu tố dự báo nhu cầu tiêu thụ thanh long trên thế giới. Điểm đáng lưu ý là trên thực tế diện tích trồng thanh long của các tỉnh, thành trên cả nước đang tăng rất nhanh trong khi thị trường tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, hiện nay có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long, với diện tích và sản lượng tăng rất nhanh. Nếu năm 1995 cả nước có hơn 2.200 ha trồng thanh long, sản lượng gần 23.000 tấn thì đến năm 2018 tăng lên gần 54.000 ha trồng thanh long (trong đó diện tích đang cho thu hoạch hơn 45.000 ha), sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và tăng hơn 46 lần về sản lượng.

Thanh long hiện nay được trồng tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh: Bình Thuận hơn 29.000 ha, Long An hơn 11.000 ha và Tiền Giang gần 8.000 ha. Việt Nam hiện trở thành nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và một số thời điểm tại Hoa Kỳ. Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, tăng lên hơn 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018.

Cần kiểm soát việc tăng diện tích trồng thanh long.
Cần kiểm soát việc tăng diện tích trồng thanh long.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, khoảng 80% - 90% sản lượng thanh long được xuất khẩu; trong đó xuất khẩu chính ngạch chiếm 15% - 20%, xuất khẩu tiểu ngạch chiếm từ 80% - 85%, còn lại là tiêu thụ trong nước. Năm 2018, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đạt khoảng 1,1 tỷ USD, thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất là Trung Quốc chiếm trên 80%, kế đến là Singapore, Indonesia. Gần đây, Việt Nam đã mở cửa thêm thị trường khó tính đầy tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Australia.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thanh long cả nước đến năm 2020 khoảng 1 - 1,1 triệu tấn. “Thanh long ruột trắng của Việt Nam được đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng, có thể sản xuất quanh năm, đặc biệt là nghịch vụ nhờ áp dụng kỹ thuật. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, do hình thức và ý nghĩa của tên gọi, tín ngưỡng thờ cúng của người châu Á nên trái thanh long có thị trường khá tốt”- Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Trần Văn Công nhấn mạnh.

Lợi nhuận mang lại là một trong những yếu tố góp phần tăng nhanh diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Bởi theo tính toán sơ bộ của Sở NN-PTNT, thanh long ruột trắng có lợi nhuận trung bình trên 230 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ có lợi nhuận trung bình khoảng 456 triệu đồng/ha/năm (cây 4 - 5 năm tuổi), với giá bán bình quân đối với thanh long ruột trắng là 11.500 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 29.000 đồng/kg.

Với mức thu nhập như thế, hiệu quả kinh tế của cây thanh long cao hơn cây lúa từ 6,1 - 13,1 lần. Chính từ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên đã thu hút sự quan tâm của người dân chuyển đổi cây trồng sang thanh long.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng xuất hiện điều đáng lo ngại là thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thanh long ruột trắng nên diện tích người dân chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ tương đối lớn, trong khi hiện các địa phương chưa có thông tin chính xác về thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ.
 

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam trong thời gian tới vẫn là Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đòi hỏi chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch và trong tương lai sẽ chuyển dịch từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Trong khi đó, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới (Ấn Độ) và các thị trường khó tính (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ…) cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao, trong khi mức tăng sản lượng sản xuất thanh long của các nước khác trên thế giới khá nhanh (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đang quan tâm phát triển thanh long).

Trước thực trạng hiện nay, Phó Cục trưởng Trần Văn Công cho biết, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục tăng diện tích trồng thanh long và chất lượng thanh long không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. “Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng cơ cấu xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đã không còn duy trì ở mức cao như trong giai đoạn trước.

Hằng năm, Trung Quốc nhập khẩu từ 530 ngàn đến 550 ngàn tấn, trong đó 98% đến từ Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ thanh long của Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu nhờ nội địa hóa nguồn cung, hoạt động xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng (hiện nay Trung Quốc đã trồng khoảng 40.000 ha thanh long, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11).

“Các địa phương cần rà soát, quy hoạch trồng thanh long, không phát triển tràn lan, cần có kế hoạch và quản lý chỉ đạo sản xuất phù hợp” - Phó Cục trưởng Trần Văn Công khuyến cáo.

2. Nằm trong bức tranh chung của cả nước, Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh có diện tích trồng thanh long tăng nhanh trong thời gian qua. Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm gần đây, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng thêm hơn 4.700 ha. Nếu năm 2013 toàn tỉnh có hơn 3.100 ha trồng thanh long, đến cuối năm 2018 đã đạt khoảng 7.900 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông…

Với tốc độ tăng diện tích như hiện nay, khả năng Tiền Giang sẽ hoàn thành sớm kế hoạch đạt 9.000 ha trồng thanh long vào năm 2025 theo mục tiêu của Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đã đề ra.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, toàn bộ các diện tích thanh long trồng mới đều sử dụng trụ bê tông và xử lý ra hoa bằng hình thức xông đèn nên đạt hiệu quả cao. Năng suất trồng thanh long trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng tăng lên, theo tính toán gần đây năng suất thanh long đạt bình quân 29,5 tấn/ha/năm. Theo đó, thanh long ruột đỏ chiếm khoảng 45% và thanh long ruột trắng chiếm 55% diện tích.

Đánh giá của Sở NN-PTNT cũng cho thấy, toàn bộ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh được thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ chủ yếu dưới dạng trái tươi. Theo đó, đối với thanh long chính vụ, có khoảng 30% sản lượng tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, xuất khẩu chỉ chiếm 10%, 60% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Đối với thanh long nghịch vụ, khoảng 80% sản lượng được xuất khẩu chủ yếu ở dạng tiểu ngạch hoặc ủy thác, 20% còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa…

A.P

.
.
.