Thứ Năm, 21/03/2019, 21:07 (GMT+7)
.

Trung Quốc không còn là thị trường nhập gạo số 1 của Việt Nam

Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến khoảng 35-40% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Thế nhưng sang những tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc đã không còn giữ được vị trí dẫn đầu này.

Biểu đồ về tình hình xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Biểu đồ về tình hình xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt gần 712.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 311 triệu đô la Mỹ, giảm 14,4% về lượng và 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng nói, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc - vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm liền - đã không còn duy trì được vị trí là quốc gia nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2019, khối lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 9.500 tấn với trị giá trên 4,5 triệu đô la, giảm 95,14% về lượng và 95,48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là quốc gia nhập khẩu gạo đứng thứ 7 trong số những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong khoảng thời gian này.

Quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2019 là Philippines với tổng khối lượng gạo đã nhập đạt gần 315.000 tấn, trị giá trên 125 triệu đô la, tăng 80,92% về lượng và 60,63% về giá trị; Bờ Biển Ngà xếp thứ 2 với khối lượng nhập khẩu đạt trên 65.000 tấn, trị giá trên 30 triệu đô la, tăng hơn 672% về lượng và 508% về giá trị so với cùng kỳ.

Thị trường giữ vị trí thứ 3 trong nhập khẩu gạo Việt Nam là Malaysia với khối lượng đạt gần 38.000 tấn, trị giá 17,6 triệu đô la, giảm 47,92% về lượng và 43,77% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; Hồng Kông, Ghana và Singapore lần lượt là ba thị trường giữ vị trí lớn thứ 4, 5 và 6 trong nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết, bên cạnh việc áp thuế cao, lên đến 50%, thì việc "siết" nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch cũng là lý do khiến xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, từ năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước ASEAN.

Cụ thể, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu.

“Trường hợp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu”, ông Đôn cho biết.

Hồi năm 2017, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đã chính thức cho phép tổng cộng 22 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu gạo chính ngạch sang quốc gia này.

Tuy nhiên, để có “giấy thông hành”, các doanh nghiệp này phải đáp ứng những đòi hỏi của họ bao gồm việc tất cả các lô gạo phải được cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra chất lượng, từ vùng trồng, nhà máy sản xuất cho đến kho bãi và công tác khử trùng, trước khi gạo được xuất sang nước họ.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng những quy định như trên của Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.