Thứ Ba, 23/04/2019, 15:23 (GMT+7)
.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận:

Nỗ lực hoàn thành sau 10 năm chờ đợi

(ABO) Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, sau 10 năm với nhiều khó khăn vướng mắc, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Vì thế cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây tại TP. Cần Thơ đã tạo sự phấn chấn cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. 
 
a
Gói thầu số 6 đang thi công xử lý nền đất yếu
Kỳ vọng của người dân và quyết tâm của Chính phủ
 
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của Việt Nam, là vùng xuất khẩu lương thực, thủy hải sản và trái cây lớn nhất nước. Nhưng các tỉnh trong khu vực vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc thu hút đầu tư trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn (thu hút FDI của 13 tỉnh thành  ĐBSCL trong năm 2018 chưa bằng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu). Một trong những nguyên nhân là do hạ tầng giao thông còn hạn chế, nên chi phí vận chuyển cao, kéo theo năng lực cạnh tranh sản phẩm của ĐBSCL ra thị trường trong nước và quốc tế cũng gặp trở ngại. 
 
Vì thế, việc sớm hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt  trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, là niềm mong chờ của người dân ĐBSCL, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối miền Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. 
 

Nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi tham gia, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến nay, dự án đã khởi động lại, với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra, dự kiến giữa tháng 5-2019 sẽ hoàn thành; làm việc với cơ quan công an để khoanh vùng những sai phạm trước đó (nếu có) của nhà đầu tư cũ (Công ty CP tập đoàn Yên khánh) để bảo đảm triển khai tiếp dự án, mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra công trình.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, dài 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm cuối giao QL 30 tại nút giao An Thái Trung ( Cái Bè, Tiền Giang), đi qua địa bàn 5 huyện, thị phía tây của tỉnh Tiền Giang gồm: Châu Thành (10,66km),Tân Phước (2,93km), TX Cai Lậy (9,13km), huyện Cai Lậy (8,1km), Cái Bè (19,77km). Giai đoạn 1 bề rộng nền đường 17m; 4 làn xe; có 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt, 1 cầu trên nút giao ĐT 868 Cai Lậy, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè. 

Dự án được khởi công lần đầu từ tháng 11-2009, sau thời gian tạm ngưng vì nhiều lý do, dự án tái khởi động đầu năm 2015 bởi Liên doanh các nhà đầu tư: Công ty CP đầu tư Tuấn Lộc - Công ty CP tập đoàn Yên Khánh - Công ty CP đầu tư BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty CP Hoàng An - Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án phải hoàn thành  trong năm 2020.
 
Tuy nhiên, sau khi tái khởi động, dự án lại gặp khó khăn, vướng mắc; trong đó cái khó lớn nhất là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
 
Song song đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn thu từ trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được. Và vướng mắc khác là một trong sáu thành viên liên doanh nhà thầu (Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) liên quan đến vụ án hình sự…
 
a
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật và Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn (trái) và doanh nghiệp dự án ký biên bản bàn giao
Để tháo gỡ khó khăn, Thường trực Chính phủ đã họp và có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019, chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sang UBND tỉnh Tiền Giang, giúp địa phương xác định trách nhiệm và chủ động hơn trong việc phối hợp nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án.
 
Đồng thời, Kết luận số 99/TB-VPCP cũng chỉ ra nhiều vướng mắc và chỉ đạo các phương án tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Chính phủ đã xác định việc tái sắp xếp, khởi động lại dự án bằng mọi nỗ lực để có thể thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như là một quyết tâm chính trị, thực hiện cam kết của Chính phủ với người dân ĐBSCL.
 
Nỗ lực của Tiền Giang
 
Trong Kết luận 99/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ, thì UBND tỉnh Tiền Giang được quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính của dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.Tính toán phương án hoàn vốn của dự án không quá 15 năm.
 
Bộ GTVT có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đồng thời cử cán bộ có năng lực am hiểu về đầu tư PPP để hỗ trợ cho UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình triển khai dự án khi tỉnh có đề nghị. 
 
a
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng các ngành thị sát công trình cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Ảnh: M.Thành

Trên tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận với các tổ chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.

Dự án dài 51,1km, đến nay giải phóng mặt bằng đã đạt 98%. UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng hằng tuần tổ chức buổi đối thoại giải quyết những kiến nghị của các hộ dân chưa chấp nhận bồi thường, đồng thời thường xuyên tổ chức đoàn đi thực tế công trình để kịp thời nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Làm việc với Ban chỉ đạo, các tổ chuyên môn, các sở ngành để kiểm tra tiến độ bàn giao, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Thứ năm hằng tuần Sở GT-VT Tiền Giang báo cáo tiến độ triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tình hình các gói thầu... cho UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, để tháo gỡ vướng mắc nếu có, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. 

Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn trong thời gian đầu khi tiếp quản dự án; về công tác giải phóng mặt bằng, về những vướng mắc trong thủ tục giải ngân, về nguồn vật liệu, vấn đề pháp lý của dự án, hệ thống đường công vụ ... Nhưng Tiền Giang đã nỗ lực khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ là nhiệm vụ với Chính phủ mà còn là trọng trách với 23 triệu dân ĐBSCL. Phấn đấu phối hợp tốt cùng các Bộ, ngành, với nhà đầu tư để hoàn thành dự án đúng như cam kết của Chính phủ vào cuối năm 2020. 
 
DUY SƠN
.
.
.