Thứ Hai, 29/04/2019, 14:54 (GMT+7)
.
Hệ lụy từ phá vỡ quy hoạch cây trồng:

Bài cuối: Nông dân không nên chạy theo phong trào

(ABO) Tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng cây ăn trái, vùng trồng lúa, vùng chăn nuôi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ào ạt từ đất lúa sang trồng cây ăn trái không theo quy hoạch của địa phương, cũng như của tỉnh sẽ tiềm ẩn nhiều bất cập. Vấn đề này, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến:

Một diện tích đất lúa vừa chuyển lên vườn được người dân tiếp tục trồng mít.
Một diện tích đất lúa vừa được người dân chuyển lên vườn để trồng mít.

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang:

Đây là thực trạng chung

Hiện nay, người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái rất nhiều. Thực trạng này không chỉ ở Tiền Giang mà của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do giá lúa không ổn định, năng suất đã đội trần, thời tiết ngày càng bất lợi, trong khi giá một số nông sản khác ở mức khá cao. Hiện sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp địa phương tuyên truyền đến người dân về quy hoạch trồng lúa, trồng cây ăn quả, rau…

Tuy vậy, người dân tự ý phá vỡ quy hoạch, tự ý chuyển đổi cây trồng do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố thị trường chi phối rất lớn. Việc xử lý người dân phá vỡ quy hoạch rất khó khăn vì liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Quan điểm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là kiên trì tuyên truyền bằng cả hệ thống chính trị, không làm sai các quy định, vận dụng và đề xuất các chính sách hỗ trợ để người dân thực hiện nhằm phát triển trồng trọt, chăn nuôi bền vững.

Cây lúa có vai trò, vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. Hơn nữa, việc đầu tư cho sản phẩm khác cần thời gian, vốn và đặc biệt là thị trường. Do vậy, sở khẳng định cây lúa Tiền Giang vẫn tồn tại và phát triển theo hướng an toàn, chất lượng và có thị trường.

* Đồng chí Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang:

Khuyến cáo nông dân không nên chạy theo phong trào

Từ năm 2009, giá trị sản lượng ngành hàng cây ăn trái đã vượt qua cây lúa, vươn lên dẫn đầu trong các loại cây trồng của tỉnh, chiếm 47% giá trị sản lượng ngành Trồng trọt và không ngừng tăng lên. Đến nay, giá trị sản lượng ngành hàng này chiếm hơn 62% trong giá trị sản lượng ngành Trồng trọt (đạt gần 25.000 tỷ đồng, tính theo giá hiện hành).

Xét về hiệu quả kinh tế, cây ăn trái được đánh giá mang lại hiệu quả cao, nhà vườn thu được lợi nhuận cao (trên 250 triệu đồng/ha), cá biệt có những chủng loại cây ăn trái cho lợi nhuận rất cao, từ 630 - 937 triệu đồng/ha như: Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc…

Đối với mít là 1 trong 8 mặt hàng được Trung Quốc chấp nhận cho nhập khẩu chính ngạch. Chính vì vậy, việc trồng mít tràn lan như hiện nay cũng vì nhu cầu cuộc sống của người dân. Chúng ta chỉ khuyến cáo nông dân không nên chạy theo phong trào, gây khó khăn cho công tác quy hoạch của địa phương. Quy luật thị trường là khi có cầu, giá cao thì người dân đẩy mạnh trồng để cung ứng. Đến lúc nào đó, cung vượt cầu thì giá của trái mít sẽ rớt xuống.

Cây mít được trồng ven đường ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).
Cây mít được trồng ven đường ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).

* PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

Nông dân cần tham gia chuỗi liên kết

Hiện nay, nông dân tập trung trồng mít Thái rất nhiều. Giờ đây, chuyện trồng mít Thái không còn để ăn nữa mà đang tính đến kinh tế. Bởi, đặc điểm của loại cây này trồng rất dày (cây cách cây khoảng 3 đến 3,5 m). Như vậy, 1 ha có thể trồng hơn 1.000 cây mít Thái. Nếu mỗi cây cho 10 trái/năm thì mỗi năm thu được khoảng 50 kg trở lên. Bình quân 1 ha cho trái khoảng 50 tấn và giá mít Thái trung bình 25.000 đồng/kg, nông dân thu được trên 1,2 tỷ đồng.

Hiện nay, rất nhiều nông dân ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… trồng chuyên canh loại cây này. Đến thời điểm này, thị trường tiêu thụ mít Thái đang khá tốt. Hiện Malaysia và ngay cả Thái Lan cũng không trồng loại mít này. Mít Thái của Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh với Lào và Campuchia. Do người Việt Nam sang 2 nước này đầu tư trồng giống mít này rất nhiều. Nông dân muốn trồng lâu bền thì phải tham gia chuỗi liên kết. Nếu nông dân trồng tràn lan, thiếu liên kết sẽ dễ gặp khó khăn.

Có nên khuyến cáo nông dân trồng mít Thái ào ạt không rất khó nói. Bởi, nếu nông dân trồng mít cho ra sản phẩm chất lượng, có liên kết thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đầu ra. Hiện nay, việc xuất khẩu mít Thái hầu hết đi Trung Quốc. Trong khi Malaisia trồng giống mít khác (kiểu như mít nghệ), chủ yếu xuất đi châu Âu và Trung Đông. Chất lượng mít Thái ngon nên Việt Nam cũng có thể cạnh tranh với các loại mít khác để mở rộng thị trường, không phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

* Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang:

Ngành Nông nghiệp khẩn trương rà soát và có giải pháp

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nghe phản ánh rất nhiều về việc người dân chuyển đổi trái phép từ đất lúa sang trồng sầu riêng, mít một cách ào ạt; đặc biệt là phía Bắc Quốc lộ 1A.

Vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị nắm chắc diện tích, đề ra giải pháp, rà soát lại những điều kiện quy hoạch của ngành Nông nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng sẽ có những giải pháp khuyến cáo nông dân không nên trồng cây ăn trái tự phát như hiện nay. Nếu để người dân trồng tự phát tràn lan, không khéo sẽ gây hậu quả rất lớn.

SĨ NGUYÊN

.
.
.