Thứ Tư, 26/06/2019, 21:47 (GMT+7)
.

10 năm tự hào hàng Việt

(ABO) Qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) với nhiều hoạt động đã mang lại hiệu ứng tích cực và tác động lan tỏa đến nhận thức, hành động của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt.

Hàng Việt chiếm hơn 83% trong các siêu thị, trung tâm thương mại.
Hàng Việt chiếm hơn 83% trong các siêu thị, trung tâm thương mại.

1. Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc ban hành các cơ chế chính sách thực hiện Cuộc vận động, các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường… cũng được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần tạo nên thành công chung qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn Tiền Giang.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, trong 10 năm qua, các cơ quan có liên quan đã hỗ trợ các hộ gia đình, DN thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra hàng hóa có chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước như: Thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng cho 5 DN (trong đó có 3 DN đã nhận hỗ trợ, với số tiền 160 triệu đồng); hỗ trợ 80 hộ gia đình tham gia Chương trình mua đèn compact xông thanh long ra hoa trái vụ, với số tiền hơn 445 triệu đồng.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng đã gần thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm hàng Việt Nam đạt hơn 83%, đặc biệt vùng nông thôn đạt hơn 90%. Tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh cũng đạt khoảng 85%.

Ngoài ra, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia chương trình “Phiên chợ Việt” như: Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Cai Lậy, Co.opmart Gò Công, Công ty Lương thực Tiền Giang, HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 (TP. Mỹ Tho), Chi nhánh Viettel Tiền Giang, VNPT Tiền Giang, Công ty Xuất nhập khẩu Thành Phát…

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, tỉnh cũng đã triển khai hỗ trợ các đề án gồm: “Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm nước ép trái cây đóng chai từ thanh long, khóm, sơ ri”, “Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ, quả đông lạnh”, “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ chiên chân không sản xuất sản phẩm chế biến từ cá, thủy sản” tại DN tư nhân Duy Điệp (huyện Cái Bè)…

Một trong những điểm sáng thành công sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động là tại Công ty cổ phần Dược phẩm Tiền Giang (Tipharco). Theo ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco, hưởng ứng Cuộc vận động cũng như thực hiện  Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” do Bộ Y tế triển khai, công ty đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và mang lại kết quả rõ nét.

“Trong những năm gần đây, công ty đã trang bị máy dập viên 33 chày với công suất lớn, nâng cấp 2 hệ thống tách ẩm cho dây chuyền Penicillin, chuyền sủi và một số thiết bị cho kiểm nghiệm, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ngoài ra, Tipharco còn đầu tư kinh phí thử nghiệm thành công 11 sản phẩm đạt tương đương sinh học với thuốc gốc. Đầu năm 2018, Tipharco cũng đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy thuốc dược liệu theo tiêu chuẩn GMP-WHO với các dây chuyền sản xuất hiện đại, với tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng” - ông Phạm Quang Bình cho biết.

2. Kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng cũng đã được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tập trung thực hiện. Đáng chú ý là các hoạt động hội chợ, trưng bày, giới thiệu hàng hóa Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn hay Tự hào hàng Việt Nam… Điểm nhấn là thông qua các hội nghị kết nối cung cầu giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành, nhất là TP. Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu ứng tích cực.

Theo đánh giá của Sở Công thương, qua nhiều lần tổ chức hội nghị kết nối với các tỉnh, thành và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tham gia như: HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX Xoài cát Hòa Lộc, DN tư nhân Long Thuận, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Mỹ Châu… Kết quả là hàng hóa, sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, rau củ, thủy sản) của Tiền Giang đã có mặt ở hầu hết trong hệ thống phân phối tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội như: Co.opmart, Big C, Metro, Aeon, Citimart, Bách hóa xanh…

Trên thực tế, hệ thống phân phối hiện đại cũng đã và đang hướng vào sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, vùng miền đã góp phần tạo nên thành công chung của Cuộc vận động. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam (chủ đầu tư Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho) cho biết, mặc dù lượng hàng hóa của Tiền Giang đã có mặt trên các gian hàng của Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho nhưng trung tâm vẫn sẵn sàng và chủ động tăng cường sản lượng hàng hóa địa phương.

Cụ thể thời gian qua, Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho đã ký hợp đồng với các đối tác là DN, HTX trên địa bàn Tiền Giang như: HTX Xoài cát Hòa Lộc, HTX Mỹ Tịnh An, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, HTX Chăn nuôi gà Đất Việt, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, Công ty TNHH MTV Rau quả Minh Long, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty Lương thực Tiền Giang…

Theo bà Lê Thị Mai Linh, tầm nhìn và chiến lược của Tập đoàn Cenntral Group Việt Nam là đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Dựa trên mục tiêu này, Cenntral Group luôn mong muốn quảng bá và ủng hộ hàng hóa Việt Nam, vì khi hàng hóa Việt Nam phát triển thì sẽ kéo theo DN cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam cùng phát triển. Cenntral Group cũng nhận ra rằng, người Việt được khuyến khích dùng hàng Việt nên DN Việt cũng dần cải tiến và phát triển hơn nữa chất lượng, sức hút của sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng.

“Qua trải nghiệm thực tế làm việc với các DN trên địa bàn Tiền Giang, Cenntral Group nhận thấy các DN nên tự tin vào sự đặc trưng, đặc biệt của hàng Việt, chú ý vào câu chuyện sản phẩm được thể hiện trên mỗi bao bì và chú trọng kết nối trực tiếp với các nhà phân phối, bán lẻ không chỉ đối với Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho; đồng thời, tận dụng cơ hội để kết nối cung cầu”- bà Lê Thị Mai Linh cho biết.

A.P

.
.
.