Thứ Sáu, 09/08/2019, 22:06 (GMT+7)
.

Quyết tâm đảm bảo tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè.

Dự án có quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1 km giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Xây dựng giai đoạn 1 có bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 868 Cai Lậy, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.

Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) tại Km 49+602 và điểm cuối ở nút giao với Quốc lộ 30 tại Km 100+750 theo lý trình dự án. Dự án ảnh hưởng đến 3.292 hộ phải giải tỏa, với tổng số tiền đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 1.776 tỷ đồng.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-3-2019, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về UBND tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GT-VT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên cao tại nút giao Thân Cửu Nghĩa.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên cao tại nút giao Thân Cửu Nghĩa.

Sau khi nhận bàn giao chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GT-VT, tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung công việc như:

(1) UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp dự án để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án. Đến nay, các kiến nghị, đề xuất hợp lý của doanh nghiệp dự án đã được tỉnh xem xét giải quyết đầy đủ;

(2) Đàm phán ký kết Phụ lục hợp đồng với doanh nghiệp dự án điều chỉnh một số nội dung cơ bản như: Thay đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án; quy trình trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu, quản lý dự án, giám sát thi công; tạm ứng hợp đồng thi công; lãi suất, lãi vay đối với vốn BOT;

(3) Tổ chức xác định khối lượng hiện trường đã thực hiện trước ngày 22-3-2019 (thời điểm chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và xác định giá vật liệu xây dựng của dự án;

(4) Xem xét phương án điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do doanh nghiệp dự án đề xuất.

Qua quá trình đàm phán giữa tỉnh và doanh nghiệp dự án, cơ bản thống nhất các nội dung điều chỉnh. Riêng đối với các nội dung về điều chỉnh giải pháp kỹ thuật của dự án có tính chuyên môn sâu về kỹ thuật, tỉnh đã có báo cáo tham vấn ý kiến Bộ GT-VT và tham khảo ý kiến của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước.

Các nội dung còn vướng mắc của dự án gồm phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án, UBND tỉnh đã báo cáo trực tiếp với Thường trực Chính phủ tại cuộc họp vào ngày 30-7-2019.

Như vậy, từ khi chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GT-VT về UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đã phối hợp cùng doanh nghiệp dự án trao đổi, giải quyết kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc để thực hiện dự án. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp vận động các hộ dân để thúc đẩy công tác giải tỏa đền bù, một phần việc được xem là khó khăn nhất.

Các kiến nghị, đề xuất hợp lý của doanh nghiệp đã được tỉnh xem xét, giải quyết đầy đủ. Cùng với đó, tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp kịp thời triển khai dự án.

Trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận điểm huyện Cái Bè.
Trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận điểm huyện Cái Bè.

Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Tiền Giang đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 với số tiền là 278,15 tỷ đồng chi trả đền bù cho các hộ dân.

Đến nay, tỉnh đã bàn giao 50,77/51,1 km mặt bằng, đạt 99,34%. Hiện còn lại 330 m đường chưa bàn giao mặt bằng, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động 37 hộ dân còn lại nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang quyết tâm sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8-2019 để bàn giao dứt điểm toàn bộ mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Tại buổi làm việc ngày 1-8 ở Tiền Giang, các bộ, ngành liên quan cùng với UBND tỉnh và doanh nghiệp bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giải quyết nhiều nội dung công việc để thúc đẩy dự án đúng cam kết thông tuyến vào năm 2020, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2021.

Tính đến ngày 2-8-2019, trên cơ sở thống nhất giữa các bên liên quan, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, tăng 3.068 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định 1700 ngày 15-6-2017 của Bộ GT-VT.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng và Bộ GT-VT thẩm định, thông qua.

Tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với doanh nghiệp dự án hoàn chỉnh các thủ tục để ký kết Phụ lục hợp đồng dự án trong tháng 8-2019.

Hiện nay, doanh nghiệp dự án có báo cáo khó khăn về tài chính do nguồn vốn ngân sách cấp cho dự án chưa được phân bổ nên dự án bị đình trệ.

Tuy nhiên, phần vốn của Nhà nước chiếm tỷ trọng không cao (2.186 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 12.668 tỷ đồng), không có tính chất quyết định đối với tiến độ dự án, vì vậy tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc vào quyết tâm và năng lực của nhà đầu tư và các đơn vị thi công.

Mặt khác, nhà đầu tư vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng liên tục đưa ra những điều kiện tín dụng khắt khe để siết nhà đầu tư mặc dù Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Việc ngân hàng chưa giải ngân vốn tín dụng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án vì nguồn vốn này chiếm tỷ trọng lớn của dự án.

Với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ: “Dù tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ quyết tâm dồn sức để lo làm xong con đường này vì “chúng ta đã hứa với đồng bào Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nhiều năm chưa làm được”, cuối năm 2020 cơ bản thông xe và khánh thành vào năm 2021”, Tiền Giang sẽ phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ dự án với quyết tâm chính trị cao nhất.

PHẠM PHONG

.
.
.