Thứ Sáu, 06/09/2019, 16:03 (GMT+7)
.

"Làm mới" du lịch ĐBSCL

Đó là vấn đề được các địa phương và ngành Du lịch “mổ xẻ” trong khuôn khổ “Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019” (gọi tắt là Diễn đàn).

MỜI GỌI ĐẦU TƯ 197 DỰ ÁN

Trong khuôn khổ Diễn đàn, sáng 4-9, “Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL” đã giới thiệu đến các nhà đầu tư về những tiềm năng phát triển các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; mời gọi đầu tư vào các dự án…

Tổng cộng có 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên được giới thiệu; trong đó TP. Hồ Chí Minh có 51 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL (Cụm Đông ĐBSCL, gồm 6 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) có 36 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL (Cụm Tây ĐBSCL, với 7 địa phương gồm: TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) có 92 dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm các doanh nghiệp tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm các doanh nghiệp tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019.

Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Vũ Tá Hoàng cho rằng, lợi thế liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị.

Thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước. Do đó, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 14 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.

Từ ngày 4 đến 5-9, Sở Du lịch cùng Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức “Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL năm 2019”, nhằm tăng cường liên kết hợp tác du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, tìm ra những giải pháp, chính sách để du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội nghị Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch đã được tổ chức với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Dịp này, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã trao biểu trưng đăng cai “Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL lần 2” cho tỉnh Đồng Tháp.

Đồng chí Bùi Vũ Tá Hoàng nhận định, thời gian qua, sự gắn kết giữa TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL vẫn chưa thực sự tạo nên một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng và đặc biệt chưa thực sự hình thành được những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến còn rời rạc, thiếu tính thuyết phục vì vẫn còn loay hoay xác định bản sắc riêng của từng điểm đến. Bên cạnh đó, việc liên kết vẫn tồn tại những điểm nghẽn như: Thiếu cơ sở hạ tầng; thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa, giải trí, du lịch; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, từ đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông, văn hóa, giải trí...

“LÀM MỚI” SẢN PHẨM DU LỊCH

Trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm du lịch ĐBSCL hiện nay na ná nhau, chỉ cần đi đến một tỉnh cũng có thể biết được du lịch ở những tỉnh khác có những gì. Do đó, nếu giải quyết được tình trạng này, đa dạng các sản phẩm du lịch sẽ là một trong những yếu tố giúp du lịch ĐBSCL bứt phá.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, cần liên kết các sản phẩm liên kết nội vùng nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm, tránh việc sản phẩm du lịch trùng lắp và cạnh tranh giữa các địa phương.

Là doanh nghiệp lữ hành, đơn vị rất băn khoăn khi khách xuống miền Tây ban đêm sẽ chơi gì, ở đâu? Do đó, ĐBSCL nên đầu tư sản phẩm du lịch vào ban đêm, nếu thành công sẽ kéo thêm được du khách quốc tế và giữ chân du khách ở lại được lâu hơn. Các tỉnh có thể chọn điểm nhấn là ẩm thực, bởi đây là thế mạnh của ĐBSCL với rất nhiều đặc sản địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn làm du lịch, trước hết phải có doanh nghiệp tiên phong. Để liên kết phát triển du lịch nên thành lập Hội đồng Phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL để đánh giá tình hình, xây dựng chương trình hợp tác trong thời gian tới. Song song đó, các tỉnh, thành cần xây dựng lại thương hiệu du lịch, trước hết là xây dựng thương hiệu vùng…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khách du lịch so với cả nước là thấp, do du lịch ĐBSCL phát triển còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng, khách đến thời gian ở rất ngắn, công tác xúc tiến, quảng bá chưa hiệu quả, còn yếu về nguồn lao động. Để du lịch ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL phải hợp tác phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, cần căn cứ vào tình hình hạ tầng để có chiến lược phát triển du lịch; đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của vùng. Ngoài ra, hiện sản phẩm du lịch đang là điều khó khăn nhất, do đó bên cạnh những sản phẩm chung của vùng, các địa phương phải có sản phẩm du lịch đặc thù riêng của từng tỉnh, thành, cụ thể là khai thác các di tích văn hóa, lịch sử của từng vùng, miền…

M. THÀNH

.
.
.