Thứ Bảy, 19/10/2019, 09:02 (GMT+7)
.

Doanh nhân phải có khát vọng vươn lên

Mỗi DN, doanh nhân cần có khát vọng lớn.
Mỗi DN, doanh nhân cần có khát vọng vươn lên làm giàu cho doanh nghiệp và đóng góp cho cộng đồng.

Vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp (DN), doanh nhân hiện nay không chỉ theo đuổi mục tiêu thuần túy là tìm kiếm lợi nhuận, mà cần phải có khát vọng, hoài bão lớn.

Đó là điều mà Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang Trần Thanh Đức mong muốn đối với đội ngũ DN, doanh nhân Tiền Giang nhân sự kiện Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Đồng chí cũng cho biết, những năm qua cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực nâng tầm hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thông qua các nỗ lực không ngừng nghỉ, các DN không chỉ nâng tầm hoạt động, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Tiền Giang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày nay, đội ngũ doanh nhân, DN trên cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng đã chứng tỏ vị thế ngày càng quan trọng hơn trong công cuộc xây dựng đất nước. Hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định, các doanh nhân là lực lượng nòng cốt, lực lượng trung tâm trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Chính vì vậy, đội ngũ doanh nhân phải có khát vọng to lớn. Khát vọng lớn sẽ làm cho khó khăn nhỏ đi. Khát vọng lớn sẽ thu hút được nhiều người tài giỏi đứng bên mình và đi với những người tài giỏi tầm nhìn của chúng ta sẽ lớn lên. Khát vọng lớn sẽ xây dựng cho mình sức mạnh nội tâm rất lớn.

Vì vậy, một doanh nhân muốn nghĩ xa phải lấy hoài bão, khát vọng của dân tộc làm mục tiêu. Doanh nhân phải thoát khỏi mục tiêu thuần túy là người đi kiếm tiền, kiếm lợi nhuận.

“Hướng tiếp cận với nền kinh tế số là rất quan trọng. DN, doanh nhân Tiền Giang cũng cần nhận thức sâu sắc vấn đề này, đừng cho nó quá xa lạ, viển vông hay lý thuyết suông”- đồng chí Trần Thanh Đức nhấn mạnh.

Đánh giá về tình hình phát triển của DN, doanh nhân vừa qua, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Hoàng Phong cho rằng, cùng với xu hướng chung của cả nước, để thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2019, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; Nghị quyết 06 về hỗ trợ và phát triển DN; Nghị quyết 11 về phát triển du lịch; giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh; tổ chức các hội nghị đối thoại và phát triển DN… Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) 9 tháng năm 2019 đạt 7,14%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,51 tỷ USD; thu hút 18 dự án đầu tư, với vốn đầu tư mới khoảng 11.544 tỷ đồng và có 470 DN thành lập mới…

Tuy nhiên, đồng chí Trần Hoàng Phong cũng cho biết, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Thiếu mặt bằng sạch để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, nhất là đối với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, việc triển khai đầu tư các cụm công nghiệp còn chậm so với dự kiến…

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển và hỗ trợ DN, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, tỉnh cần tập trung xây dựng điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2050 theo hướng tích hợp như quy định của Luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời, khắc phục dần những hạn chế gắn liền với vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên hình thành đã, đang và sẽ tồn tại trong thời gian tới.

Đồng thời, tỉnh cần tăng cường thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng ứng dụng công nghệ cao; chú trọng công tác chuẩn bị mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh các dự án mời gọi đầu tư, dự án đã có chủ trương đầu tư, nhất là đối với các dự án đã trao chủ trương đầu tư, chứng nhận và mời gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018…

Đánh giá về những đóng góp của DN, doanh nhân thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh DN, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí cũng mong muốn cộng đồng DN Tiền Giang cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường và đầu tư dài hạn, không ngừng nâng cao trình độ quản lý. Đồng thời, các DN cần nâng cao tính cộng đồng, mở rộng hơn nữa các quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển; quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động…

Ngoài ra, tỉnh cũng rất mong muốn các DN, doanh nhân cùng tham gia thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển thành DN; hình thành cộng đồng DN của tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và tính ổn định, bền vững, từng bước vươn ra thị trường trong nước và ngoài nước.

Để tạo môi trường cho DN, doanh nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng chí Lê Văn Nghĩa cũng thông tin, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đất đai… để DN phát triển đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, tỉnh cũng sẽ tập trung hoàn thành các công trình lớn như: Cầu Vàm Cái Thia, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Ngũ Hiệp, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; các khu, cụm công nghiệp phía Đông.

Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần tận tâm phục vụ và hỗ trợ DN; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn lực và tìm kiếm thị trường, đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp…

A.P - M.T

Động lực mới

Nhìn vào biểu đồ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp vào khu vực phía Đông của tỉnh mới thấy được sự thay đổi đáng kể của khu vực này, đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Con số thống kê mới nhất, tại các huyện, thị phía Đông đã có khoảng 25 nhà đầu tư đã “bám rễ”, dần phát huy hiệu quả và đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này cho thấy, vùng đất phía Đông đang dần trở thành điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Trong xu hướng phát triển chung của cả khu vực, TX. Gò Công đã trở thành điểm nhấn quan trọng. Bởi chỉ sau khoảng 10 năm, công nghiệp của TX. Gò Công đã khoác lên mình diện mạo rất mới. Đặc biệt là trong năm 2018 và  năm 2019, TX. Gò Công đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư mới. Đáng chú ý là Công ty May Việt Long Hưng, với quy mô gần 9 ha, toàn dự án thu hút khoảng 10.000 lao động, với 24 chuyền sản xuất đã thu hút hơn 1.650 công nhân.

Tiếp đến là Công ty TNHH Shilla Glovis Việt Nam chuyên sản xuất ba lô, túi xách hoạt động với 24 chuyền sản xuất, thu hút hơn 1.700 lao động, doanh thu đạt 42 tỷ đồng. Hiện công ty này đang thực hiện quy trình mở rộng quy mô sản xuất thêm 3 ha, 1.500 lao động. Nhà máy sản xuất gạch không nung do Công ty TNHH Một thành viên Bình Kem làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 1,4 ha cũng đã được triển khai xây dựng. Chưa kể, dự án sản xuất ba lô, túi xách của Công ty LongWay, với quy mô 1,1 ha, khoảng 500 công nhân và một số dự án đang thực hiện các bước đầu tư…

Mới đây nhất, cũng trên địa bàn TX. Gò Công, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà thầu Dự án đường Trương Định và Khu dân cư hai bên đường giai đoạn 3 cho Liên doanh Công ty cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang. Điều này sẽ tiếp tục mở ra một diện mạo mới cho TX. Gò Công nói riêng và cả khu vực phía Đông của tỉnh nói chung. Nhìn một cách tổng thể, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đã và đang hướng về khu vực phía Đông nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của khu vực này.

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh định hướng phát triển thêm các khu công nghiệp phía Đông: Gò Công, Bình Đông và các cụm công nghiệp: Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Mỹ Lợi, Phú Tân… sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm và đến đầu tư tại các huyện, thị vùng phía Đông. 24 dự án đầu tư vừa được các huyện, thị phía Đông giới thiệu cho các nhà đầu tư tập trung vào nhiều lĩnh vực như: Đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; nhà ở xã hội; khu dân cư; đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, trồng rừng phòng hộ và du lịch sinh thái hay nhà máy chế biến nông sản… sẽ tiếp tục là động lực mới để khu vực Gò Công phát triển.

A.P

 

.
.
.