Thứ Sáu, 01/11/2019, 14:31 (GMT+7)
.
Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể:

"Mở lối" cho sầu riêng Cai Lậy

Tháng 8-2019, thông tin “Sầu riêng Cai Lậy” được trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể là niềm vui chung của nông dân chuyên canh sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy. Đây được xem là “giấy thông hành” để sản phẩm sầu riêng vươn đến thị trường các nước trên thế giới.

1. Huyện Cai Lậy có khoảng 9.000 ha sầu riêng, chiếm 65% diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện và 75% diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Các giống sầu riêng chủ lực của huyện là Monthong, Ri6, Chuồng bò…

Mang lại năng suất cao nhưng nông dân chuyên canh sầu riêng không tránh khỏi điệp khúc “được mùa mất giá” do không chủ động được đầu ra và giá bán, việc tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái …

Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” đã “mở lối” cho sản phẩm sầu riêng vươn đến thị trường các nước trên thế giới.	                                                                                               Ảnh:  CAO Lập đức
Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” đã “mở lối” cho sản phẩm sầu riêng vươn đến thị trường các nước trên thế giới. Ảnh: Cao Lập Đức

Phát huy hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” thông qua Đề tài “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu tập thể Sầu riêng Cai Lậy”.

Hội Làm vườn huyện Cai Lậy được chọn làm chủ sở hữu và quản lý, sử dụng nhãn hiệu. Hội được tư vấn, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” gồm: Quy định về sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, Quy định về cấp, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, Quy định về kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Ngày 5-4-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”.

Đây là bước khởi đầu để Hội Làm vườn huyện Cai Lậy phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với nhãn hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực của địa phương.

Hội Làm vườn huyện Cai Lậy hiện có 47 hội viên là nông dân chuyên canh sầu riêng, chủ nhiệm các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng.

Để quản lý và phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, Hội Làm vườn huyện Cai Lậy xây dựng phương án tổ chức, huy động nguồn lực để phát triển nhãn hiệu, hội viên nêu cao trách nhiệm để duy trì uy tín của sản phẩm “Sầu riêng Cai Lậy” trên thị trường...

Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cai Lậy Lê Thanh Truyền cho biết: “Với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, Hội Làm vườn huyện Cai Lậy có thêm một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật thông qua việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Qua đó, giúp sầu riêng Cai Lậy tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước bằng những yếu tố như mẫu mã đẹp, phẩm chất ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả canh tranh”.

Nông dân chuyên canh sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy rất phấn khởi trước việc “Sầu riêng Cai Lậy” được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Nông dân chuyên canh sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy rất phấn khởi trước việc “Sầu riêng Cai Lậy” được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

2. Nông dân chuyên canh sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy đều chung niềm phấn khởi trước thông tin “Sầu riêng Cai Lậy” được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Với 0,6 ha vườn chuyên canh sầu riêng Monthong gần 20 năm tuổi, hiện đang cho thu hoạch ổn định, ông Lê Văn Sáng (ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) phấn khởi: “Trước nay, giá cả của các loại trái cây đều bấp bênh. Cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nông dân cũng không thể tránh khỏi cảnh “được mùa mất giá”. Biết thông tin “Sầu riêng Cai Lậy” được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chúng tôi rất vui mừng. Đây là điều chúng tôi mong chờ đã từ lâu”.

Thời gian qua, ngoài kinh nghiệm canh tác theo truyền thống, nông dân huyện Cai Lậy đã chủ động liên kết sản xuất, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.

Địa bàn huyện hiện có khoảng 150 ha sầu riêng được sản xuất theo mô hình VietGAP và GlobalGAP ở các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Tân Phong…, với sự tham gia của 145 thành viên tổ hợp tác và hợp tác xã.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, các ngành chức năng huyện sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm sầu riêng thông qua các buổi hội thảo, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực của địa phương.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.