Thứ Sáu, 13/12/2019, 14:55 (GMT+7)
.
KIẾN TẠO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THÔNG QUA CHUỖI LIÊN KẾT

Bài 3: Nâng cao giá trị nông sản Việt

Bài 1: Sứ mệnh mang tính lịch sử

Bài 2: Cần kiến tạo giá trị nông sản

Từ chỗ chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, thông qua chuỗi liên kết từ chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị nông sản Việt từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu, kể cả các thị trường được cho là “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand…, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Qua đó, đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện, nâng lên. 

Thông qua chuỗi liên kết giá trị nông sản Việt đã được nâng cao, xuất khẩu đến gần 190 nước và vùng lãnh thổ  trên thế giới.                	Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Thông qua chuỗi liên kết giá trị nông sản Việt đã được nâng cao, xuất khẩu đến gần 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

ĐỦ SỨC CẠNH TRANH

Cùng với cả nước, tỉnh Tiền Giang cũng đã tiến hành triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang trong những năm qua từng bước phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.

Hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ được đổi mới, có hiệu quả và từng bước xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp có bước chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; bước đầu đã hình thành nhiều vùng chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất như vùng trồng thanh long, vú sữa, vùng trồng lúa, rau…

Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Tiền Giang trong những năm qua cũng cho thấy, đã hình thành liên kết, phát triển theo hướng khai thác đúng tiềm năng của từng vùng trong tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết phát triển theo quy mô diện tích và chuỗi giá trị có thương hiệu hàng hóa đủ sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Phát biểu trong Hội thảo Các giải pháp kinh tế kỹ thuật để phát triển bền vững cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 21-9-2019 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang Cao Văn Hóa (hiện đã nghỉ hưu) nhấn mạnh: Nét chuyển biến lớn nhất là nông dân mạnh dạn thay đổi cách làm từ số lượng sang chất lượng. Với chủ trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, trong thực hiện ngành Nông nghiệp Tiền Giang lấy liên kết chuỗi làm trung tâm, lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển. Từ đó, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái chuyên canh; cải tạo hoặc thay thế các giống cũ có năng suất và chất lượng kém bằng những giống cây ăn trái có chất lượng cao, đạt 95%.

Chính phủ Hà Lan được Chính phủ Việt Nam yêu cầu gửi những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quy hoạch sử dụng đất nước thấp hơn mặt biển châu Âu rất hiệu quả sang hợp tác với chuyên gia Việt Nam để quy hoạch lại ĐBSCL theo hướng Nghị quyết 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Kết quả ban đầu, đang được tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, cho thấy viễn cảnh sống động, chuyển đổi cơ cấu thuần nông nghiệp sang cơ cấu công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp. Trong Hội nghị Chính phủ kiểm điểm tiến độ thực hiện Nghị quyết 120, các Bộ, ban, ngành vẫn còn đang quy hoạch riêng lẻ từng ngành mình, chưa ráp vào nhau. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra sáng kiến “quy hoạch tích hợp” để xếp chồng lên đồng bộ các biện pháp phục vụ phát triển sản xuất từng nông sản chuyển đổi theo quy mô lớn có hiệu quả nhất.

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NAM CẦN THƠ - GS.TS. VÕ TÒNG XUÂN

Cũng tại hội thảo trên, đồng chí Cao Văn Hóa cho biết thêm: Toàn tỉnh hiện có 44 hợp tác xã, đây là đầu mối sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây các loại với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây với quy mô vừa và nhỏ, trong đó chủ yếu là các cơ sở thu mua, sơ chế phục vụ nhu cầu ăn tươi. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn như: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH SXTMDVXNK Nông sản Hòa Lộc RR, Công ty TNHH Long Việt, Công ty TNHH MTV MSH Fruits Intergrade… đã đầu tư trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho hoạt động sơ chế, chế biến như: Đầu tư hệ thống kho lạnh trong quá trình bảo quản, vận chuyển trái cây giúp gia tăng thời gian bảo quản trái…; đầu tư trang bị máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng để xử lý ruồi đục quả, tạo điều kiện thuận lợi nâng chất lượng trái cây khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Đó là thành tựu của tỉnh Tiền Giang sau khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Còn trên bình diện thành tựu chung của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Châu cho biết: Nhờ liên tục phát triển về lượng và chất mà nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng trở nên giàu có, nhất là đối với vùng trồng cây chuyên canh thanh long, sầu riêng… Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng rất rõ, từ lúa 3 vụ thì nay nhiều vùng sản xuất 2 vụ lúa + 1 vụ màu, hay chuyển hẳn sang vườn cây ăn trái chất lượng cao. Trên lĩnh vực lúa - gạo, thành tựu rất ấn tượng, nhiều tỉnh ở ĐBSCL liên tục trong nhiều năm liền tăng năng suất và sản lượng lúa so với năm trước và thập niên 90 của thế kỷ XX. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên dưới 3 tỷ USD/năm.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang và Long An vào ngày 20-8-2018 thì sau 5 năm thực hiện quyết liệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 899 ngày 10-6-2013  đã có những tác động tích cực tới kết quả phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm tiêu thụ kịp thời với giá có lợi cho người sản xuất. Nhờ vậy giai đoạn 2013 - 2017, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng tăng trưởng ngành vẫn được duy trì, đạt 2,55%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn đã tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017.

KỲ TÍCH NÔNG SẢN VIỆT

TS. Nguyễn Minh Châu cho biết, sau khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, lĩnh vực chế biến trái cây cũng đã có những bước tiến dài như việc các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để sấy mít, xoài, khoai lang… để xuất khẩu đi nhiều nước; hay nước dừa, nước cốt dừa nay cũng đã được đóng hộp để xuất khẩu. Về lĩnh vực trái cây, thành tựu ấn tượng là hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu vào được các nước “khó tính” với nhiều mặt hàng trái cây như thanh long, chuối, mít, xoài, nhãn, chôm chôm, vải…, mang lại kim ngạch đến trên 3,5 tỷ USD/năm.

Mít là mặt hàng trái cây mới tham gia xuất khẩu gần đây nhưng đã có sự phát triển nhanh chóng. “Chúng ta gọi là mít Thái, nhưng kỳ thật khi qua Thái Lan, tôi không thấy người Thái trồng giống mít này. Tôi đánh giá nông dân miền Tây quá xuất sắc, vì đã chọn ra một giống mít xuất khẩu được, đem về ngoại tệ không dưới 150 triệu USD/năm cho đất nước và cải thiện được cuộc sống cho nhiều hộ nông dân” - TS. Nguyễn Minh Châu chia sẻ.

Rồi sầu riêng, dù hiện gặp một số khó khăn do chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính thức, nhưng nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn xuất được dưới hình thức chế biến như bánh pía nhân sầu riêng, kẹo dừa vị sầu riêng…; hay sầu riêng đông lạnh cũng đã được xuất khẩu rất nhiều vào Trung Quốc và các nước như Mỹ, Canada, Australia và các nước châu Âu. Chuối già do một công ty ở Bình Dương sản xuất cũng đã được Dole (một thương hiệu lớn chuyên xuất khẩu trái cây của Mỹ) đồng ý hợp tác, cho dán nhãn hiệu Dole lên đó để xuất đi khắp thế giới.

TS. Nguyễn Minh Châu cho biết thêm: Trước đây, hạt gạo Việt Nam xuất khẩu loại phẩm cấp thấp hơn gạo Thái Lan, nhưng mấy năm gần đây chúng ta xuất khẩu gạo phẩm cấp cao, cạnh tranh được với gạo phẩm cấp cao của Thái Lan, Ấn Độ. Mới đây, tháng 11-2019, gạo ST25 được thế giới đánh giá là gạo ngon nhất thế giới, mở ra một triển vọng mới: Gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các loại gạo ngon nhất của các nước. Gần đây, tháng 11-2019, sữa tươi của Việt Nam cũng đã xuất được vào Trung Quốc, cạnh tranh với sữa của Trung Quốc ngay trên đất nước của họ. Về sản xuất hoa cao cấp như hoa ly, doanh nghiệp của Việt Nam như VinEco cũng đã tổ chức sản xuất, cạnh tranh với hoa Hasfarm ở thị trường nội địa…

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Minh Châu phấn khởi cho biết: Vai trò của ngành Nông nghiệp đối với đất nước là vô cùng quan trọng, vì không những phải cung đủ lương thực, thực phẩm cho một đất nước có đến hơn 96 triệu dân, mà còn góp phần xuất khẩu mang về ngoại tệ cho đất nước. Năm 2018, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục. Riêng mặt hàng trái cây, năm 2018 đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước mà trước đây chúng ta gọi là thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, châu Âu, đạt 3,5 tỷ USD. Đó là kỳ tích của cả hệ thống, mà đặc biệt là sự nỗ lực của nông dân, các doanh nghiệp và sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước.

Còn theo đồng chí Nguyễn Xuân Cường, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà năm 2018 nông sản Việt đã được xuất khẩu đến gần 190 nước và vùng lãnh thổ, với giá trị xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, góp phần đáng kể vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

NGUYÊN CHƯƠNG (Còn tiếp)

.
.
.