Thứ Tư, 08/01/2020, 10:56 (GMT+7)
.

Dưa hấu, mãng cầu Xiêm hồi hộp trước giờ "G"

Những ngày này, nông dân trồng dưa hấu, mãng cầu Xiêm xử lý cho trái vụ tết thắc thỏm, lo lắng vì ít thương lái đến đặt mua, hợp đồng hay giá vẫn còn là "ẩn số" khó đoán.

Người trồng dưa hấu hồi hộp

Những ngày này, dọc tuyến đường tỉnh 865, đoạn qua các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có rất nhiều ruộng dưa dấu đang cho trái và chờ thương lái đến mua. Khác với mọi năm, thời điểm này thương lái đã về các ruộng dưa để xem, xúc tiến hợp đồng, chốt ngày thu hoạch với nông dân. Tuy nhiên, năm nay giá dưa không cao, thương lái vắng bóng.

Nông dân Võ Văn Phu (ấp 5A, xã Phú Cường) trồng 2 ha dưa tròn không hạt, dưa vàng Kim Hồng và dưa An Tiêm. Dẫn chúng tôi tham quan ruộng dưa, ông lắc đầu ngao ngán: “Chưa năm nào thương lái ít như năm nay, giá cũng thấp hơn so với năm rồi khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Người trồng dưa hấu đang chờ thương lái.
Người trồng dưa hấu đang chờ thương lái.

Hiện nay, thương lái mua 6.000 đồng/kg dưa tròn không hạt, 6.200 đồng/kg dưa An Tiêm và 9.000 đồng/kg dưa vàng Kim Hồng. Nếu trong những ngày cận tết, dưa hấu hút hàng thì giá sẽ tăng lên. Còn dội chợ, giá sẽ còn xuống thêm”.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Thái Lộc (ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B) trồng 4 công dưa hấu An Tiêm cũng đang lo lắng vì giá đang ở mức thấp, đầu ra chưa thuận lợi. Ông Lộc cho biết: “Hằng năm, thời điểm này thương lái tìm đến hỏi mua rất nhiều; còn năm nay, chúng tôi chưa thấy một thương lái nào đến. Biết rằng, người dân trồng dưa hấu lâu năm đều có thương lái quen, nhưng thời điểm này của những năm trước, thương lái “lạ” cũng tìm đến ruộng dưa để hỏi thăm, riêng năm nay cũng không thấy”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nông dân xuống giống khoảng 770 ha dưa hấu. Trong đó, dưa hấu cung cấp cho thị trường tết chiếm đa số. Dưa hấu đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Với giá dao động như hiện nay, năng suất dưa khoảng 20 - 25 tấn/ha, người trồng từ huề đến lỗ vốn do chi phí trồng vụ này tăng khá cao, mỗi ha trồng dưa không dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người trồng có kinh nghiệm vẫn lạc quan cho rằng: Thời điểm này, thương lái thường đang tìm nơi tiêu thụ, còn nguồn đã có sẵn. Vì vậy, khoảng ngày 20 tết trở lên, thương lái bắt đầu xuống ruộng xem dưa, cho giá và đưa ra ngày thu hoạch. Đến thời điểm đó, nông dân sẽ biết được giá bao nhiêu và lời lỗ ra sao.

Mãng cầu Xiêm chờ giờ “G”

Mãng cầu là loại trái cây được người dân ưa chuộng lựa chọn chưng trên mâm ngũ quả trong ngày tết. Chính vì vậy, người dân trồng mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang tất bật chăm sóc để cung ứng cho thị trường. Vụ tết này, mãng cầu Xiêm thất mùa, số lượng không nhiều.

Bà Phạm Thị Nhu (ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông) trồng 2 ha mãng cầu Xiêm cho biết, vườn chỉ cung ứng khoảng vài trăm kg trái cho thị trường tết này. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, gia đình xử lý trái bán tết đạt thấp.

Còn ông Huỳnh Ngọc Thật (ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông) trồng trên 1 ha mãng cầu Xiêm và cũng là thương lái thu mua mãng cầu Xiêm trên địa bàn cho biết, mãng cầu Xiêm ở đây đang trong giai đoạn già cỗi hoặc bệnh khá nhiều. Vài năm trước, những ngày giáp tết, ông mua khoảng 100 tấn trái bán thị trường tết, năm rồi cũng mua được 30 - 40 tấn; còn riêng năm nay, ông dự báo chỉ mua được khoảng vài tấn trái. Bởi những vườn mãng cầu Xiêm nơi đây thu hoạch không đồng đều, thất mùa và đa số cây bị chết cây do già cỗi. Một nguyên nhân khác, thời gian dài, giá mãng cầu Xiêm luôn ở mức thấp, nên người dân không mặn mà chăm sóc, khiến cây suy kiệt và chết dần.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, toàn tỉnh có 1.191 ha mãng cầu Xiêm, giảm gần 100 ha so với cuối năm 2018. Trong đó, huyện Tân Phú Đông có 770 ha. Mãng cầu Xiêm được trồng nhiều tại các xã Tân Phú, Tân Thạnh, Phú Đông, Phú Thạnh… Nguyên nhân diện tích giảm là do người dân chuyển sang nuôi tôm hoặc cây trồng khác.

SĨ NGUYÊN

.
.
.