.

Siêu thị, cửa hàng tiện ích "lấn sân"

Cập nhật: 16:26, 22/01/2020 (GMT+7)
Việc ra đời các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích còn là động lực thu hút đầu tư liên vùng, lan tỏa phát triển kinh tế - đô thị, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm có lợi thế sản xuất của địa phương
Việc ra đời các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích còn là động lực thu hút đầu tư liên vùng, lan tỏa phát triển kinh tế - đô thị, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm có lợi thế sản xuất của địa phương

Ngoài đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua các chợ truyền thống, thu hút đầu tư, Tiền Giang có nhiều điểm sáng thông qua việc phát triển các loại hình thương mại khác phù hợp với khu vực tập trung dân cư, đô thị hóa như: Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh theo chuỗi…

Việc ra đời các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích còn là động lực thu hút đầu tư liên vùng, lan tỏa phát triển kinh tế - đô thị, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm có lợi thế sản xuất của địa phương

GÓP MẶT CỦA VINMART+, BÁCH HÓA XANH

Theo đánh giá của Sở Công thương Tiền Giang, một trong những điểm sáng của lĩnh vực thương mại trong thời gian qua là trên địa bàn tỉnh phát triển nhiều cửa hàng tiện ích cung cấp mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng (hình thức kinh doanh theo siêu thị mini) làm cho thị trường cung cấp hàng hóa tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng sôi động.

Đến cuối năm 2019, Sở Công thương đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm cho 12 cơ sở thuộc Chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+ thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; 43 cơ sở thuộc Chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Theo anh Nguyễn Thanh Lâm, Quản lý khu vực của Bách hóa xanh tại Tiền Giang, dự kiến đến tháng 1-2020 Bách hóa xanh có 55 điểm kinh doanh, với nhiều mặt hàng kinh doanh từ nhu yếu phẩm đến hàng tiêu dùng, kể cả rau, củ, quả các loại.

Lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây. Đến nay, Tiền Giang có 1 trung tâm thương mại (Trung tâm Thương mại GO! Mỹ Tho); 12 siêu thị với 6 siêu thị có hình thức kinh doanh tổng hợp và 6 siêu thị chuyên doanh có mặt trên cả 3 vùng kinh tế của tỉnh. Trong đó, hệ thống Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh đã có mặt tại TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy.

Trung tâm Thương mại GO! Mỹ Tho thuộc Công ty TNHH EB Tân Phú đi vào hoạt động từ tháng 9-2018 đã và đang thu hút rất đông khách hàng. Đây cũng là nơi kết nối nhiều sản phẩm của địa phương. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam (chủ đầu tư Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho) cho biết, riêng đối với Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho, lượng hàng hóa của Tiền Giang cũng đã có mặt trên các gian hàng, nhưng trung tâm vẫn sẵn sàng và luôn chủ động tăng cường sản lượng hàng hóa địa phương.

Bà Linh cũng cho biết thêm, tầm nhìn vào chiến lược của Cenntral Group là đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Dựa trên mục tiêu này, Central Group luôn quảng bá và ủng hộ hàng Việt Nam vì khi hàng Việt Nam phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển và từ đó kinh tế - xã hội Việt Nam mới có thể phát triển. Gần đây, Central Group nhận ra người Việt cũng được khuyến khích dùng hàng Việt, doanh nghiệp Việt cũng dần cải tiến và phát triển.

“Qua trải nghiệm thực tế làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang, Central Group cũng nhận thấy doanh nghiệp nên tự tin vào sự đặc trưng, đặc biệt của hàng Việt, nên chú ý vào câu chuyện sản phẩm được thể hiện trên mỗi bao bì và chú trọng kết nối trực tiếp với các nhà phân phối, bán lẻ không chỉ đối với Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho và tận dụng cơ hội để kết nối cung - cầu”- bà Linh cho biết.

NHIỀU DỰ ÁN MỚI

Bên cạnh các dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ đã và đang được đầu tư tại Tiền Giang dần phát huy hiệu quả, trong chặng đường sắp tới Tiền Giang cũng sẽ đón nhiều dự án mới trong lĩnh vực này. Hiện tại đã có 3 dự án liên quan đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang đầu tư: Tổ hợp Trung tâm Thương mại, dịch vụ, kết hợp với nhà ở tại đường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) do Công ty cổ phần Vincom Retail đầu tư, hiện đang được khởi công; Trung tâm Thương mại Mỹ Tho do Công ty Đầu tư Hợp Phát đầu tư hiện đang thực hiện các thủ tục và Central Plaza Mỹ Tho do Công ty Xăng dầu Thiên Hộ làm chủ đầu tư và hiện
đang trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện 3 dự án: Công trình phức hợp - thương mại, dịch vụ (thuộc Quảng trường Trung tâm tỉnh); Trung tâm Thương mại, dịch vụ Lương Phú (xã Long An, huyện Châu Thành); Trung tâm Thương mại, kinh doanh nông sản (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè). Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang xin chủ trương đầu tư 2 dự án là Trung tâm Thương mại - Dịch vụ sông Tiền (TP. Mỹ Tho) và Công ty TNHH MTV Thương mại Cửu Long…

Việc phát triển nhanh các loại hình thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại sẽ dần mở ra thị trường mang tính năng động hơn, hiện đại, tiện dụng hơn và tất nhiên sẽ tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Sở Công thương, việc phát triển các chuỗi cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, siêu thị cũng tạo nên sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với việc phát triển hệ thống chợ, đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ, nâng cao nhận thức của tiểu thương về an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường…

ANH PHƯƠNG

.
.
.