Thứ Hai, 30/03/2020, 15:18 (GMT+7)
.
BỨC TRANH TIỀN GIANG VÀ NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Bài 4: Áp lực cải cách

Bài 1: Những dấu ấn

Bài 2: "Dọn sân" đón khách

Bài 3: "Đau đầu" giải bài toán hạn, mặn

Áp lực cải cách trên nhiều phương diện, từ môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cả “tư duy” lãnh đạo… không phải là mới nhưng chưa bao giờ là câu chuyện cũ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động tạo ra bước ngoặt mới trong cải cách nền hành chính của Tiền Giang.
Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động tạo ra bước ngoặt mới trong cải cách nền hành chính của Tiền Giang.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) tỉnh Tiền Giang dần mang lại hiệu quả thiết thực.

THAY ĐỔI “TƯ DUY” LÃNH ĐẠO

Tinh thần đổi mới “tư duy” lãnh đạo được quán triệt quyết liệt, đồng bộ, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thông điệp này được chính Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhiều lần nhắc đến và yêu cầu chính quyền các cấp phải nhanh chóng chuyển từ “tư duy” quản lý sang phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Điều này đã tạo nên sức lan tỏa lớn đối với cộng đồng doanh nhân và tạo đà thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Bởi thông qua rất nhiều lần tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng luôn nhấn mạnh rằng, cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Dấu ấn từ Trung tâm Phục vụ hành chính công

Ngày 31-12-2019, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Đây là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin tuyên truyền, công khai, hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công, tình hình xử lý, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Đây cũng là bước tiến mới trong quyết tâm cải cách nền hành chính của tỉnh Tiền Giang.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã giải quyết được rất nhiều thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 27-3, ông Lý Hoàng Tùng (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Trao đồi với chúng tôi, ông Tùng cho biết, trung tâm rất hiện đại, nhân viên phục vụ rất ân cần và thân thiện, thủ tục được thực hiện cũng nhanh, gọn.

Ngoài ra, thông qua phần mềm dịch vụ công còn giúp công khai các thủ tục hành chính, các trình tự giải quyết, thành phần hồ sơ, người dân có thể nộp hồ sơ, tra cứu trực tuyến và có thể xem được tiến độ giải quyết hồ sơ của các sở, ngành có liên quan. “Tôi nghĩ, có Trung tâm Phục vụ hành chính công như thế này sẽ rất tiện lợi cho người dân; chưa kể có thể chống được tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà; đồng thời, giảm chi phí, thời gian, công sức đi lại của người dân…” - ông Tùng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về việc chuyển hướng trong “tư duy” lãnh đạo của Tiền Giang, giám đốc một doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh nhìn nhận, chính sự cởi mở và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp đã tạo nên một luồng gió mới, nhất là sau khi UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào năm 2018.

Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đang được đặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, với các hiệp định kinh tế chuẩn bị có hiệu lực. Trước bức tranh chung và áp lực như thế, việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều động thái cởi mở, quyết tâm trong kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo “mảnh đất” đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức đối thoại, tạo cầu nối giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh hay kết nối giữa các vùng kinh tế mang tính động lực sẽ là cơ hội để cho doanh nghiệp chia sẻ và tìm cơ hội phát triển.

Với góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, hình ảnh Tiền Giang đã có nhiều điểm nhấn riêng và dần thu hút các nhà đầu tư. Trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Tang Zhen Yu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Giang cho rằng, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã lắng nghe ý kiến và hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách miễn giảm thuế. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang cũng đã khẳng định, chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn điện sản xuất ổn định… là những yếu tố tích cực để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghiệp Long Giang khẩn trương đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Là nhà đầu tư nhiều năm trên địa bàn Tiền Giang, ông Lee Yong Oh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Simone Việt Nam, Chi nhánh Tiền Giang (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) cũng đưa ra góc nhìn khác về việc đổi mới “tư duy” lãnh đạo, cải thiện môi trường đầu tư: Sự hỗ trợ ưu đãi đầu tư của Tiền Giang, giao thông nội bộ khu công nghiệp như hệ thống điện, xử lý nước thải đầy đủ đã đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp; các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Nếu theo dõi kỹ chặng đường vừa qua mới cảm nhận được quyết tâm đổi mới, cải cách của tỉnh có ý nghĩa đến mức nào. Một trong những điểm nhấn là UBND tỉnh luôn yêu cầu các ngành, địa phương phải cải cách hành chính thật tốt và mạnh mẽ hơn nữa để hướng tới xây dựng chính quyền năng động, đồng hành, thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua quyết tâm cải thiện các chỉ số đo lường mang tính trọng điểm như: Chỉ số PAR Index, Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang.

Có theo dõi việc công bố Chỉ số PCI qua 14 lần liên tục mới thấy được quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện chỉ số này. Kết quả 5 năm liên tục gần đây về PCI Tiền Giang cho thấy sự nỗ lực của tỉnh nhằm mang đến sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như năm 2014, PCI của Tiền Giang chỉ đạt 55,11 điểm, xếp 52/63 tỉnh, thành, đến năm 2018 đạt 62,75 điểm, xếp hạng 38/63. PCI năm 2018 của Tiền Giang cải thiện đáng kể và được ghi nhận từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp.

Tất nhiên, đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, lâu dài của lãnh đạo tỉnh, cũng như các địa phương và được doanh nghiệp ghi nhận. Khi bình luận về yếu tố này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty GODACO cho rằng, nếu nhìn từ thực tế vừa qua mới thấy, trong giai đoạn này lãnh đạo tỉnh có nhiều động thái rất quyết liệt để cải thiện hình ảnh của Tiền Giang. Đó là điều mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn mong đợi.

Câu chuyện cải cách không chỉ dừng lại ở việc đổi mới “tư duy” lãnh đạo hay cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn hướng đến sự hài lòng của người dân, thông qua cải thiện Chỉ số PAPI. Trên bình diện chung đó, tháng 10-2018, xã Tân Mỹ Chánh được UBND tỉnh cũng như TP. Mỹ Tho chọn thí điểm tổ chức gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh để lắng nghe ý kiến của người dân trên địa bàn về công tác lãnh đạo, điều hành; về tác phong, lề lối làm việc đối với các bộ, công chức, từ đó giúp chính quyền địa phương gần gũi với người dân hơn.

“Kết quả của buổi gặp gỡ là người dân đã đóng góp trên nhiều phương diện như tham gia ý kiến và kinh phí trong xây dựng công trình công cộng; sự công khai, minh bạch của chính quyền địa phương cơ sở về danh sách hộ nghèo, thu - chi ngân sách cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất tại địa phương; mức độ và hiệu quả khi tiếp xúc với chính quyền để yêu cầu giải quyết các khúc mắc hay khiếu nại, tố cáo; ý kiến về thủ tục hành chính công tại địa phương hay mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học công lập…” - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh Đào Ngọc Thi cho biết.

Đó cũng là bước khởi đầu để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức gặp gỡ nhân dân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh liên quan đến PAPI năm 2019 với tất cả xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh. Qua đó, các phản ánh, bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân được các cấp lãnh đạo chân thành lắng nghe, kịp thời giải quyết; tạo được lòng tin của người dân, tạo chuyển biến rất tích cực trong mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với nhân dân trong tỉnh. Việc đối thoại với doanh nghiệp, tiếp xúc và giải quyết nhanh chóng, đúng quy định các hồ sơ đầu tư, thành lập doanh nghiệp được cải thiện đáng kể...

Cải cách là một chặng đường dài, không ít áp lực và nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, với những gì mà Tiền Giang đã và đang thực hiện sẽ là những tiền đề quan trọng cho những bước cải cách tiếp theo.

ANH PHƯƠNG (Còn tiếp)

.
.
.