Thứ Năm, 30/04/2020, 20:43 (GMT+7)
.
CHẶNG ĐƯỜNG 45 NĂM VÀ BƯỚC TIẾP CON ĐƯỜNG HƯNG THỊNH

Bài cuối: Xung lực cho "đoàn tàu" kinh tế

Bài 1: Khẳng định lại vị thế

Cùng với cả nước, chặng đường tiếp theo của Tiền Giang cũng được kỳ vọng sẽ không ngừng tăng tốc dựa trên nền tảng của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã và đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

Công nghiệp cũng tạo nên điểm nhấn quan trọng của Tiền Giang (trong ảnh: Khu công nghiệp  Tân Hương).  Ảnh: MINH THÀNH
Công nghiệp cũng tạo nên điểm nhấn quan trọng của Tiền Giang (trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Hương). Ảnh: MINH THÀNH

1. Cùng với cả nước, trong mỗi thời kỳ, các tỉnh, thành đều xây dựng chiến lược, kịch bản khác nhau để thích ứng. Tiền Giang cũng đã và đang tìm ra những “kịch bản” cho từng bước đi, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển cho chặng đường mới. Nhưng dẫu sao, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong chặng đường sắp tới cũng sẽ được xác định trong mối liên kết các vùng kinh tế trong tỉnh, nội vùng và liên vùng.

Xu thế “bắt tay” cùng phát triển sẽ được chú trọng dựa trên những nền tảng lợi thế hiện hữu của mỗi vùng kinh tế và mỗi tỉnh, thành trong cả nước. Bởi trên thực tế, Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005. Tiền Giang cũng đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long.

Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền, với chiều dài trên 120 km, cách trung tâm lớn nhất của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là TP. Cần Thơ khoảng 100 km, đây được xem là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Lợi thế này không phải tỉnh, thành nào cũng có được.

Nhìn ở khía cạnh khác, mong muốn Tiền Giang trở thành siêu “vệ tinh” cho toàn vùng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 8-2018. Ý tưởng này được dựa trên nền tảng tiềm năng và lợi thế hiện hữu của Tiền Giang.

Bởi theo định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng sông Mê Kông mở rộng, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ.

Trong chặng đường chung ấy, Tiền Giang được tính toán phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng. Đồng thời, Tiền Giang cần tăng cường kêu gọi đầu tư các chức năng về thương mại - dịch vụ và du lịch mang đậm cảnh quan sinh thái sông nước. Có lẽ nền tảng siêu “vệ tinh” cũng phần nào bắt nguồn từ những yếu tố này.

Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng, sự phát triển của Tiền Giang sẽ là xung lực quan trọng của “đoàn tàu” kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Chính vì thế, Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới có thêm những động năng cho sự phát triển, để vượt lên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn - mặn…

Bởi thực tế, Tiền Giang có nhiều thuận lợi như các yếu tố đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu trong chế biến và việc tiếp cận nguồn lao động; chi phí tuyển dụng lao động thấp và người lao động siêng năng. Tiền Giang hội đủ các yếu tố để trở thành siêu “vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh nếu chúng ta có tầm nhìn, hiện thực hóa tầm nhìn và phát triển một cách hiệu quả.

2. Ngoài các yếu tố lợi thế vừa nêu, một trong những lợi thế hiện hữu của Tiền Giang là hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp điện, cấp nước, được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, giúp tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Chưa kể, Tiền Giang cũng không ngừng nỗ lực cải cách, tạo môi trường thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư và không ngừng tiếp cận với nền kinh tế số.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước mắt Tiền Giang đang cùng với VNPT khởi động Dự án Khu công viên phần mềm Mê Kông, định hướng xây dựng thành phố thông minh (smart city) nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Những thành quả mà Tiền Giang đạt được ngày hôm nay là kết quả của sự tiếp tục kế thừa từ những thành quả lãnh đạo, điều hành và công sức lao động của nhân dân trong suốt quá trình phát triển, bằng sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, với sự miệt mài lao động của người dân và doanh nghiệp.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo xu thế năm sau cao hơn năm trước và luôn ở nhóm khá đối với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm nhấn đáng chú ý là đến cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tiền Giang đạt 7,26%, thu ngân sách đạt hơn 11.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm, với khoảng 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động…

Các nghiên cứu đã cho thấy có sự tương quan cao giữa tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, nhất là trong trung và dài hạn. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và trao đổi những ý tưởng, cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về phía tỉnh Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại, dịch vụ và du lịch…

A.P

.
.
.