Thứ Bảy, 04/04/2020, 08:48 (GMT+7)
.

"Một mình một chợ", Thái Lan đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao

Một số đối thủ cạnh tranh của Thái Lan thực hiện chính sách tạm ngưng xuất khẩu gạo đã giúp quốc gia này gần như chiếm lấy vị thế “một mình một chợ” trong cuộc đưa xuất khẩu. Điều này, cũng chính là điều kiện để Thái Lan đẩy giá xuất khẩu gạo tăng mạnh trong khoảng một tuần qua.

Giá gạo trên thị trường thế giới đang tăng. Ảnh minh họa: Trung Chánh.
Giá gạo trên thị trường thế giới đang tăng. Ảnh minh họa: Trung Chánh.

Trên trang web của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại địa chỉ www.vietfood.org.vn, giá gạo của Thái Lan được chào bán đang tăng mạnh, ngày 26-3, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 480-484 đô la Mỹ/tấn (bình quân 482 đô la/tấn), gạo 25% tấm là 448-452 đô la/tấn (bình quân là 450 đô la/tấn); ngày 27-3, gạo 5% tấm tăng lên mức 493-497 đô la/tấn (bình quân là 495 đô la/tấn), gạo 25% tấm là 461-465 đô la/tấn (bình quân là 463 đô la/tấn).

Đến ngày 31-3, gạo 5% tấm của Thái Lan được đẩy lên mức giá 518-522 đô la/tấn (bình quân là 520 đô la/tấn), trong khi gạo 25% đã ngưng chào giá.

Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 2-4, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho rằng, khi Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và cả Campuchia tạm dừng xuất khẩu gạo, tức nguồn cung hạn hẹp, trong khi nhu cầu của các nước tăng cao, thì Thái Lan “một mình một chợ” nên họ đẩy giá gạo lên cao. “Đấy là thời cơ vàng của họ mà”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Bích, trường hợp Chính phủ Việt Nam có quyết định cuối cùng, nếu cho xuất khẩu gạo trở lại, thì khả năng giá sẽ “dịu lại”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết, khi Việt Nam và một số quốc gia khác dừng xuất khẩu, thì các nhà nhập khẩu quay sang tìm nguồn cung từ Thái Lan cũng là điều dễ hiểu. “Chính vì vậy, Thái Lan có đẩy giá gạo lên cao cũng là quy luật thôi”, ông nói.

Thực tế, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đã và đang tăng lên khá cao nhằm đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Corona (Covid-19) bùng phát ở nhiều nơi.

Theo Bộ Công Thương, sau khi nhận được thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 25-3), một số quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu gạo đã đề nghị điện đàm với đơn vị này hoặc gửi thư trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).

Cụ thể, tại điện đàm với Bộ Công Thương mới đây, phía Philippines cho rằng, Việt Nam là nhà cung cấp gạo rất quan trọng của quốc gia này và đề nghị Việt Nam ưu tiên cung cấp gạo, coi Philippines là ngoại lệ, không áp dụng lệnh dừng xuất khẩu.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà buôn bán và nhập khẩu gạo Hồng Kông đã có thư gửi VFA bày tỏ sự quan ngại về lệnh dừng xuất khẩu gạo của Việt Nam và khẳng định Việt Nam là nguồn cung cấp gạo chính của quốc gia này với thị phần chiếm 30%.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Thành của Phước Thành IV cho biết, Philippines hiện đang đối mặt với nguy cơ thiếu gạo do tác động từ việc dừng xuất khẩu gạo của các nước, trong đó, có Việt Nam. “Người ta (Philippines) đã chủ động nhập khẩu gạo rất lớn, nhưng do Việt Nam dừng xuất khẩu nên họ bị động”, ông giải thích và cho biết các nhà nhập khẩu gạo đang quay sang Thái Lan để tìm nguồn cung thay thế.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.