Thứ Năm, 28/05/2020, 20:41 (GMT+7)
.

"Bôi trơn" dự án, sao ta không phát hiện được?

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc đến tình trạng tiêu cực xảy ra tại công ty Nhật Bản “do những cá nhân tìm cách này cách kia để kiếm tiền bôi trơn dự án”. “Thế mà chúng ta lại không phát hiện được”, ĐB bày tỏ bất bình và một lần nữa khẳng định việc kiểm toán chặt chẽ các dự án PPP sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
 
a
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định: “Quốc hội đang bàn về PPP ở thời điểm 100 năm có một"
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng nay 28-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
 
Thảo luận về dự án Luật PPP, các ĐBQH băn khoăn về giải pháp dung hoà giữa mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân với yêu cầu quản lý chặt chẽ tài sản công.  
Quan niệm rằng vốn đầu tư dự án PPP thực chất là đầu tư công, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) yêu cầu phải thực hiện kiểm toán dự án PPP đúng với quy định của Luật Kiểm toán.
 
“Ngay từ đầu, làm tốt cái này sẽ không có chuyện BOT lạc vị trí, kiểu như làm đường tránh, nhưng lại đặt trạm trên quốc lộ 1 khiến người dân phản ứng”, ông Phương nhận định.
 
Yêu cầu kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả của công trình, theo ĐB Bùi Văn Phương, cũng là hết sức quan trọng để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, người dân và nhà đầu tư, không để nhà đầu tư chịu thua thiệt, xoá bỏ những nghi kỵ, nghi ngờ cũng như không để xảy ra tình trạng tiêu cực, dẫn đến phải xử lý cán bộ.
 
Chia sẻ quan điểm của ĐB Bùi Văn Phương, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc đến tình trạng tiêu cực xảy ra tại công ty Nhật Bản “do những cá nhân tìm cách này cách kia để kiếm tiền bôi trơn dự án”. “Thế mà chúng ta lại không phát hiện được”, ĐB bày tỏ bất bình và một lần nữa khẳng định, việc kiểm toán chặt chẽ các dự án PPP sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
 
Trong khi đó, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định: “Quốc hội đang bàn về PPP ở thời điểm 100 năm có một. Dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế xã hội phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Chúng ta đang tái khởi động lại nền kinh tế và việc làm hết sức quan trọng là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khi nguồn lực của cả Nhà nước lẫn tư nhân đều suy giảm. Rủi ro cao hơn rất nhiều, cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều”. Từ đó, ĐB đề nghị thiết kế dự thảo luật theo hướng dỡ bỏ rào cản nhiều hơn, phối hợp hài hoà hơn.
 
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, với tinh thần như thế, dự thảo không nên chỉ tập trung cho dự án lớn, do đó không nên quy định quy mô tối thiểu, mà “nên nâng niu cả dự án nhỏ”; không để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đứng ngoài cuộc chơi. Các lĩnh vực cho phép áp dụng PPP cũng không nên khuôn lại chỉ trong 5 loại như dự thảo; hoặc chỉ nên coi 5 loại này là “ưu tiên” và trao quyền cho địa phương và nhà đầu tư lựa chọn dự án phù hợp với điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, phân bổ quản lý rủi ro cũng nên linh hoạt hơn. “Luật không nên quy định quá chi tiết, như thế sẽ “vừa thừa vừa thiếu”, ĐB Lộc phát biểu.
 
Đồng ý trao thêm quyền bình đẳng hơn cho nhà đầu tư tư nhân, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị, Kiểm toán Nhà nước phải có quyền tham gia kiểm toán ngay từ đầu và trong suốt quá trình triển khai dự án, nhưng nhà đầu tư cũng có quyền yêu cầu kiểm toán độc lập và khi có tranh chấp thì giải quyết qua con đường tố tụng. Tuy nhiên, ĐB lưu ý, do an ninh quốc gia phải đặt lên hàng đầu, nên sẽ không có bình đẳng tuyệt đối giữa Nhà nước với nhà đầu tư được.
 
Phát biểu giải trình thêm về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định có 3 yêu cầu được đặt ra đối với dự án luật này. Đó là đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn, hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư và phải tiệm cận, tiếp cận được các thông lệ tốt của quốc tế.
 
“Nếu chỉ nghiêng về vấn đề của nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia. Và nếu chúng ta cũng chỉ nghiêng về vấn đề của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của nhà nước thì cũng không được”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.
 
Liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “đây là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của luật này”.
 
Ông lý giải, chỉ khi giảm doanh thu dưới 75% dự toán thì nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng (thời hạn thu, mức thu), nếu vẫn không được thì Nhà nước mới chia sẻ và mức chia là 50-50. Còn tăng doanh thu lên thì trên 125%, dù bất kể lý do nào phần tăng thêm cũng được chia 50-50 giữa nhà nước với nhà đầu tư.
 
Về vấn đề kiểm toán, Bộ trưởng cho rằng dự án PPP là một dự án có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công - tư nên không hẳn là một dự án đầu tư công. Thống nhất là cần có sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước, nhưng Bộ trưởng cho biết, dự thảo chỉ quy định kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước và một số nội dung để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và giá trị. Nhà đầu tư tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên.
 
Khẳng định không chỉ có Kiểm toán Nhà nước mới ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí từ các dự án PPP, Bộ trưởng Chí Dũng cho biết: “Còn có các cơ quan thanh tra, kiểm toán độc lập, Công an và rất nhiều công cụ khác, các cơ quan khác”.
 
Về các dự án BT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận “đây là một vấn đề trong quá trình soạn thảo có rất nhiều ý kiến khác nhau”. Có 2 ý kiến quan trọng, thứ nhất là đồng ý mở rộng tiếp tục hình thức BT. Hiện nay BT không còn hình thức trả bằng tiền, chỉ còn mỗi hình thức trả bằng đất. Cho nên trong quá trình thực hiện vừa qua cũng có rất nhiều các hạn chế, khiếm khuyết. Có một luồng ý kiến nên cho tiếp tục và một luồng ý kiến không nên tiếp tục.
 
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ĐBQH cân nhắc kỹ và cho rằng nếu thiết kế theo hình thức BT trong luật này thì sẽ bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ để tránh tình trạng “công trình đắt, giá đất rẻ”.
 
Về lựa chọn nhà đầu tư, về đấu thầu, về ưu đãi và đảm bảo đầu tư cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Một số ý kiến đề nghị là xem xét về một số khái niệm cho rõ ràng về kỹ thuật lập pháp và những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc và sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến thông qua hệ thống điện tử.
 
Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ đạo Ủy ban Kinh tế cũng như cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.