Thứ Năm, 09/07/2020, 07:34 (GMT+7)
.
BAN QUẢN LÝ CỒN BÃI HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG:

Khai thác lợi thế từ biển

Những năm qua, Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông (gọi tắt là Ban Quản lý), tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt công tác quản lý, sản xuất, khai thác nghêu trên khu vực cồn bãi. Ngoài việc phát triển mô hình nuôi nghêu khép kín từ khâu sinh sản con giống, ương nuôi nghêu cỡ trung và nuôi nghêu thương phẩm, đơn vị còn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ khu vực biển.

Ương nghêu giống.
Ương nghêu giống.

Hằng năm, đơn vị tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan, tranh thủ sự hỗ trợ, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật để từ đó có kế hoạch tổ chức quản lý khai thác nghêu đạt hiệu quả cao nhất.

CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT, KINH DOANH

Từ năm 2015 đến nay, nguồn thu của đơn vị đều đạt và vượt kế hoạch huyện giao. Cụ thể, năm 2015 đơn vị thu 6,4 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch; năm 2016 thu được 5,569 tỷ đồng, đạt 101,3 % kế hoạch; năm 2018 thu được 6,571 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2019 do ảnh hưởng chung của tình hình thời tiết, khí hậu thường xuyên diễn biến phức tạp khó lường đã làm nghêu nuôi bị thất thoát, thiệt hại và chậm phát triển nên nguồn thu chỉ đạt 39% - 61% kế hoạch.

Đơn vị đã thường xuyên theo dõi, chăm sóc và quản lý nghêu trên cồn nhằm kịp thời phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến con nghêu để có biện pháp xử lý. Song song với đó là tổ chức khảo sát, quy hoạch các khu vực an toàn để thả nuôi và di dời nghêu khi có tình huống có thể gây thiệt hại xảy ra; tổ chức cào vén nghêu ranh, cào can thả những nơi nghêu gom dày đem rải lại trên sân nuôi, di dời nghêu giống ở những nơi có khả năng bị trôi do thủy triều và thời tiết, tổ chức cào ven ranh, các khu vực trống ven hồ và các khu vực cồn cao nghêu dày không phát triển. Đồng thời, tổ chức thu hoạch nghêu khi nghêu đạt kích cỡ đúng thời điểm tránh để thất thoát do biến động thời tiết và thiên tai gây ra.

Để đảm bảo việc bảo vệ và khai thác tốt vùng biển, Ban Quản lý sẽ tập trung chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh bằng cách tổ chức sản xuất và ương nghêu giống nhằm đảm bảo nguồn giống nuôi tại chỗ, hạn chế mua giống nơi khác và có thể cung cấp cho người nuôi trong vùng. Song song đó, đơn vị sẽ quy hoạch cụ thể lại từng khu vực đảm bảo an toàn để nuôi, tập trung theo dõi quản lý, bảo vệ, khai thác theo tình hình biến động của thời tiết, môi trường và thị trường đảm bảo có hiệu quả nhất, hạn chế thất thoát đến mức thấp nhất. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tính đến phương án chuyển đổi hình thức mua bán bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế và biến động của thị trường nhằm đạt lợi nhuận cao nhất.

CHỦ ĐỘNG PHỐI, KẾT HỢP

Để bảo vệ an toàn vùng nuôi nghêu trên biển, trong thời gian qua, Ban Quản lý đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Tân Thành, Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) tổ chức tuần tra kiểm soát, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện xấu của các phương tiện có khả năng xâm hại đến khu vực cồn bãi, góp phần bảo vệ ổn định an ninh trật tự trên khu vực biển và khu vực cồn nghêu giống. Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch tổ chức bảo vệ chặt chẽ theo từng thời điểm, mùa vụ; tăng cường hoạt động tuần tra, canh giữ trên khu vực đã kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên khu vực cồn bãi.

Để phục vụ tốt cho công tác quản lý, đơn vị đã tập trung củng cố, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện phục vụ tốt cho công tác quản lý, sản xuất, bảo vệ, khai thác nguồn nghêu giống trên khu vực cồn bãi; đặc biệt là chất lượng hoạt động và phương thức quản lý, sản xuất, bảo vệ, khai thác cũng như mua bán. Đơn vị cũng tổ chức liên kết các hộ dân nuôi với địa phương và các ngành chức năng nắm tình hình an ninh trật tự, nhất là cụ thể của từng đối tượng, hình thức hoạt động của các nhóm đối tượng và cá nhân để có hình thức chủ động ngăn chặn, giáo dục ngăn ngừa từ xa, hạn chế xảy ra các vụ trộm cắp.

Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới Ban Quản lý sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ để góp phần bảo vệ và khai thác tốt vùng biển.

LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.