Thứ Năm, 23/07/2020, 08:11 (GMT+7)
.

Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP

Tiền Giang hiện có 10 sản phẩm được công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đây là hướng đi mới nhằm khai thác thế mạnh của từng địa phương.

Mục tiêu được tỉnh đặt ra là đến cuối năm 2020, mỗi địa phương phải đạt ít nhất 2 sản phẩm OCOP.

Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020.
Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020.

CHỌN SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chủ thể chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Chương trình OCOP hướng đến mục tiêu chính là đầu tư nâng cấp các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã hướng dẫn các địa phương rà soát các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương (có thể nói đây là sản phẩm đặc sản của tỉnh) và hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể sản xuất đăng ký hồ sơ tham gia chương trình.

Nhờ những động thái này, trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành có liên quan đã tổ chức đánh giá và công nhận 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cụ thể: Mắm tôm chua (đạt 3 sao), Mắm cá cơm (đạt 3 sao), Mắm ruốc (đạt 3 sao) của Cơ sở mắm Bà Hai Diễm; Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (đạt 4 sao), Đông trùng hạ thảo Thiên Ân - Yến HT (đạt 4 sao) của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân; Gạo đặc sản VD 20 Gò Công (đạt 3 sao) của Công ty TNHH Thương mại HK.

Ngày 2-7, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1840 công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang đợt 1 năm 2020, giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức trao giấy chứng nhận cho các chủ thể sản xuất.

Như vậy, kể từ khi thực hiện Quyết định 490 ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP (trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao), bao gồm 6 sản phẩm vừa được trao giấy chứng nhận và 4 sản phẩm đã được công nhận OCOP trong năm 2019 là: Trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát (Công ty TNHH Travipha, huyện Tân Phú Đông); thịt gà tươi Gà ta Gò Công (Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, TX. Gò Công); Mắm tôm chà Bà Hai Diễm (Cơ sở sản xuất Mắm Bà Hai Diễm,
TX. Gò Công) và nước Đông trùng hạ thảo NICE (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, huyện Gò Công Tây).

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội chợ Triển lãm Công nghiệp,  Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.
Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội chợ Triển lãm Công nghiệp, Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.

HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, các sản phẩm đạt OCOP trước mắt sẽ được hỗ trợ đào tạo, tập huấn xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh, tem OCOP, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các sản phẩm này được cung cấp thông tin về Văn phòng Điều phối Trung ương để xây dựng hệ thống dữ liệu các sản phẩm OCOP toàn quốc phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế của Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang vào thị trường
TP. Hồ Chí Minh và tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho những sản phẩm OCOP được diễn ra trên khắp cả nước; hỗ trợ tham gia chương trình kết nối với các địa phương khác để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa; hỗ trợ lồng ghép theo các chính sách: Liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018 của Chính phủ, chính sách phát triển hợp tác xã, đào tạo nghề…

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương, đến nay chỉ có 4 huyện, thị có sản phẩm OCOP (Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Gò Công Đông và TX. Gò Công), trong khi tỉnh có nhiều sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP như: Các loại trái cây tươi đặc sản của tỉnh, sản phẩm chế biến từ trái cây, hải sản, lúa - gạo...

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, để tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới, với mục tiêu đến cuối năm 2020, mỗi địa phương phải đạt ít nhất 2 sản phẩm OCOP theo chỉ đạo của tỉnh, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thị, thành (nhất là địa phương chưa có sản phẩm OCOP) cần tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND xã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng hồ sơ tham gia chương trình; tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, gửi hồ sơ sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để kiểm tra, trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (kế hoạch đánh giá cấp tỉnh vào đầu tháng 9-2020 và trong tháng 11-2020).

Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các nội dung nâng cấp sao sản phẩm. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể sản xuất  cũng cần nghiên cứu tham gia liên kết trong sản xuất (đầu vào, đầu ra sản phẩm) nhằm đưa sản phẩm phát triển bền vững, hiệu quả…

P.A - C. THẮNG

.
.
.