Thứ Sáu, 14/08/2020, 10:49 (GMT+7)
.

Nỗ lực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt đang có bước phát triển nhanh nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thanh toán trực tuyến. “Cuộc chiến” giữa việc thanh toán thông qua các ví điện tử (Momo, VNPT Pay, Viettel Pay, Air Pay...)  và giao dịch qua ngân hàng cũng đã bắt đầu.

Giờ đây, các khoản thanh toán tiền điện, nước, cước phí viễn thông, học phí… đều có thể thanh toán trực tuyến một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Co.opmart Mỹ Tho là một trong những nơi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Co.opmart Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) là một trong những nơi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

ĐƠN GIẢN, TIỆN LỢI

Ông Nguyễn Thanh Phong, khách hàng của Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết, mỗi tháng gia đình ông thanh toán khoảng 1,4 triệu đồng tiền điện. Trước đây, việc thanh toán tiền điện được nhân viên công ty đến tận nhà thu nên đôi khi cũng bất tiện do ông thường xuyên đi làm vắng nhà.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, việc thanh toán tiền điện được thực hiện thông qua thanh toán điện tử nên tiện lợi và hiệu quả, không cần phải nhân viên Công ty Điện lực Tiền Giang đến thu tận nhà. Chỉ cần tải ứng dụng ví điện tử VNPT Pay, với một số thao tác đơn giản và để tiền vào ví, việc thanh toán tiền điện hằng tháng sẽ được thực hiện tự động”- ông Phong cho biết.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng trên 850 ngàn khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng điện tử, gần 300 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ SMS banking, với số lượng giao dịch khoảng 25 triệu lượt giao dịch. Tính đến cuối tháng 6 năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 798 điểm chấp nhận thanh toán POS, tăng 61 điểm giao dịch so với cuối năm 2019. Doanh số giao dịch qua máy POS trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 936 tỷ  đồng, với 97.442 giao dịch (tăng 28.343 giao dịch và tăng hơn 573 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
 

Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã được Công ty Điện lực Tiền Giang tập trung triển khai trong thời gian qua.

Theo lãnh đạo công ty, tính đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có 69.531/633.599 khách hàng sử dụng điện thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, chiếm 11%.

Hiện nay, 100% Điện lực cấp huyện, thị, thành đều có hệ thống thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đồng thời, Công ty Điện lực Tiền Giang đã ký kết với 11 ngân hàng và 10 đơn vị thanh toán trung gian, với trên 850 điểm thanh toán trên địa bàn tỉnh. Dựa trên nền tảng này, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng (không sử dụng tiền mặt) với các phương thức như: Trích nợ tự động, SMS & Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, thanh toán trực tuyến trên website của Công ty Điện lực Tiền Giang, website các ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian…

ĐA DẠNG HÓA KÊNH PHÂN PHỐI ĐIỆN TỬ

Các ngân hàng thương mại cũng đang bước vào cuộc chạy đua thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, các ngân hàng thương mại luôn phát triển và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến phục vụ hoạt động thanh toán qua ngân hàng; đa dạng hóa các kênh phân phối điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thuận tiện cho nhiều đối tượng khách hàng, mọi lúc, mọi nơi, tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ cung cấp: Xác thực mật khẩu bằng dấu vân tay/Face ID, hoàn thiện các tiện ích trên ứng dụng thanh toán online (Internet Banking, Smart Banking, Bankplus, ví điện tử...), đăng ký online một số hình thức dịch vụ mà không cần đến quầy (mở tài khoản, rút tiền bằng APP, vay tiền online, tiết kiệm online...); thanh toán bằng POS, mã QR...

Bên cạnh đó, số lượng thẻ ngân hàng luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm phát triển và tăng trưởng đều qua các năm. Các ngân hàng thương mại đã tập trung phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua POS/thiết bị chấp nhận thẻ và sắp xếp phù hợp mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM). Chưa kể, việc sáp nhập thành công Smartlink vào Banknetvn (NAPAS) đã tạo thuận lợi và hiệu quả hơn trong việc kết nối, chuyển mạch thẻ tại Việt Nam.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chủ động kết nối với các cơ quan liên quan, các sở, ngành như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, công ty cấp nước, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học... để mở rộng thị phần, xúc tiến truyền thông, giới thiệu sản phẩm đến gần với người dân hơn và góp phần đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng theo mục tiêu của ngành đã đề ra.

Từ đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tính đến cuối tháng 6-2020, trên địa bàn tỉnh có 245 máy ATM và 798 điểm giao dịch chấp nhận thanh toán qua POS, tổng số thẻ các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phát hành trên 1 triệu thẻ…

Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng cũng có một số khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Thị Đậm, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới hình thức giao dịch điện tử là những dịch vụ ngân hàng hiện đại, đòi hỏi khách hàng phải am hiểu công nghệ và được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy vi tính kết nối Internet, wifi nên việc triển khai các sản phẩm dịch vụ này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối tượng khách hàng lớn tuổi và sống tại vùng nông thôn. Việc áp dụng thanh toán điện tử buộc cả đơn vị cung cấp dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, viễn thông ở mức nhất định.

Việc thanh toán điện tử đang dần phát triển nhưng tốc độ còn hạn chế do người dân chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc triển khai máy POS vẫn còn những bất cập như: Một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán, số khác có trang bị máy nhưng không khuyến khích khách hàng sử dụng vì không muốn công khai doanh thu; tâm lý khách hàng ngại trả phí dịch vụ ngân hàng, sợ rủi ro trong quá trình sử dụng như hacker, virus, làm giả thẻ… Chưa kể, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều ở các huyện, thị, thành nên khó triển khai đồng bộ…

A.P

.
.
.