Thứ Bảy, 01/08/2020, 20:07 (GMT+7)
.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Đường lớn nhưng không dễ đi

Thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt tiêu chuẩn định sẵn, thậm chí còn có phần kiểm soát gắt gao hơn để cạnh tranh lẫn nhau, trước tiên là rào cản kỹ thuật với hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Cơ hội thị trường từ EVFTA rất lớn nhưng đây không phải chìa khóa vạn năng giúp hàng hóa Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có hiệp định.

Nông sản thiếu tiêu chuẩn

Việc bước vào “sân chơi” lớn cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục Trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan theo hiệp định thương mại tự do thì quốc gia nhập khẩu cũng tìm nhiều cách tăng cường biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; thậm chí, yêu cầu trách nhiệm với môi trường và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt các tiêu chuẩn định sẵn, thậm chí còn có phần kiểm soát gắt gao hơn để cạnh tranh lẫn nhau. Trước tiên là rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.

Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, mặc dù trong những năm gần đây xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng nhanh và đạt được những con số rất ấn tượng về kim ngạch.

Tuy nhiên, phần lớn trong số đó vẫn là xuất thô, giá trị của một đơn vị nông sản rất thấp. Hơn nữa, nông sản Việt Nam đang đối mặt với định kiến từ nhà mua hàng quốc tế về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Điều này gắn liền với thực tế rất nhiều nông dân đang lạm dụng thuốc trừ sâu như một giải pháp để cây tăng trưởng nhanh, sản phẩm bảo quản được lâu, mẫu mã đẹp mắt. Cho đến nay, mới có khoảng 5% nông sản Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) thông tin, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như tiêu, hạt điều, mật ong, rau củ quả tươi và chế biến đều được xóa bỏ thuế ngay.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu nói chung và xuất khẩu vào EU nói riêng là đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không tuân thủ các quy trình trong sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng cách.

Đối với nông sản, EU đang thúc đẩy chiến lược từ nông trại đến bàn ăn với những yêu cầu mới, khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và các yếu tố khác. Sản phẩm xuất khẩu vào EU, bên cạnh chất lượng, nguồn gốc xuất xứ còn phải đảm bảo yếu tố môi trường.

Đối tác xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy đạt chuẩn; quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng lao động nhỏ tuổi hoặc quá tuổi.

Ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng Giám đốc Công ty Lavifood nêu thực tế, các loại trái cây của Việt Nam được khách hàng nhiều nước ưa chuộng nhưng việc xuất khẩu trái cây tươi rất khó.

Đơn cử với trái thanh long - một trong những loại được xuất khẩu nhiều nhất hiện nay, ngoài thị trường Trung Quốc thì việc thâm nhập các thị trường khác rất gian nan vì không có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Trong khi sản phẩm nông sản làm ra khó xuất khẩu vào châu Âu và những thị trường khó tính khác do không đủ tiêu chuẩn yêu cầu thì việc phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP lại gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, một số đối tác đặt vấn đề với doanh nghiệp để mua thanh long tươi xuất khẩu với điều kiện phải đạt chuẩn GlobalGAP.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không tìm được nguồn cung đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo yêu cầu mặc dù diện tích trồng và sản lượng thanh long không ngừng tăng lên.

Nguyên nhân là do đa phần người làm nông nghiệp Việt Nam đang sản xuất theo tập quán, quy mô nhỏ lẻ, manh mún và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường. Mặt khác, chi phí đầu tư sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP đang cao hơn nhiều so với canh tác tự do.

Điều này dẫn đến trường hợp, ban đầu người trồng thực hiện theo quy trình đạt tiêu chuẩn nhưng khi thị trường tiêu thụ khó khăn họ lại quay về lối canh tác cũ để giảm chi phí đầu tư - ông Cẩn phân tích.

Dệt may, da giày lo nguồn cung nguyên liệu

Ông Trần Như Tùng, đại diện Công ty Dệt may Thành Công thông tin, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của EVFTA, EU yêu cầu quy tắc xuất xứ cho sản phẩm dệt may là hai công đoạn, từ vải trở đi. Nghĩa là vải sử dụng để cắt may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU hoặc từ nước thứ ba có FTA với cả Việt Nam lẫn EU.

Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH MLB Tenergy, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH MLB Tenergy, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư vào chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thiết kế và tạo thành phẩm không nhiều. Phần lớn doanh nghiệp đều gia công và phải nhập khẩu nguyên liệu ngoài phạm vi EU công nhận. Khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì mọi điều khoản về cắt giảm thuế đều trở nên vô nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, để đầu tư một nhà máy kéo sợi, dệt nhuộm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, ngoài chi phí xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị, thì đào tạo nhân lực cũng rất tốn kém. Trung bình chi phí đào tạo một lao động kỹ thuật làm việc trong nhà máy dệt có thể gấp 20 lần so với đào tạo một công nhân may.

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp tham gia vào ngành dệt may Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế nên chỉ hoạt động cắt may, gia công để thu hồi và quay vòng vốn nhanh.

Điều này cũng dẫn đến tình trạng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển mất cân đối, trong khi khâu cắt may ngày càng phình to thì khâu dệt nhuộm vẫn không lớn nổi.

Để có nguyên liệu gia công xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu (bông, xơ sợi, vải, phụ liệu) từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu dệt may đạt gần 38,9 tỷ USD nhưng cũng nhập khẩu tới 22,4 tỷ USD nguyên phụ liệu. Phần giá trị thặng dư được tạo ra tại Việt Nam chủ yếu là công lao động.

Tương tự với dệt may, ngành da giày cũnng đang đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu. Theo Hiệp hội Da Giày-Túi xách Việt Nam, thời gian qua, một số chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu từ nước ngoài đã chuyển dần vào Việt Nam giúp gia tăng tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu nội địa.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trên chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nguồn lực tài chính, công nghệ nên rất khó để đầu tư sản xuất nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Tùy vào doanh nghiệp và sản phẩm cụ thể, nguồn cung từ Trung Quốc có thể chiếm từ 30-70% nguyên liệu sản xuất giày dép.

Để đáp ứng yêu cầu xuất xứ hưởng ưu đãi EVFTA thì nguyên liệu đầu vào phải có xuất khứ từ Việt Nam, EU hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, thuộc da được sản xuất trong nước còn quá ít và có giá thành khá cao, không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất đơn hàng lớn; trong khi đó nguồn cung da tại Hàn Quốc cũng không nhiều. Do đó, khả năng tận dụng ưu đãi thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực là rất thấp.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tan-dung-co-hoi-tu-evfta-duong-lon-nhung-khong-de-di/654872.vnp)

.
.
.