Thứ Năm, 17/09/2020, 20:07 (GMT+7)
.

Cần chủ động trữ nước ngọt một cách căn cơ và đa dạng

(ABO) Sáng 17-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2020 - 2021.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo Bộ NN&PTNT, mùa khô năm 2019 - 2020, vùng ĐBSCL có khoảng 25,12 ngàn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Trong tổng số diện tích bị ảnh hưởng, có khoảng 11.181 ha bị thiệt hại trên 70%…

Vùng giáp biển thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất, với khoảng 13,8 ngàn ha (chiếm 55%); vùng giữa (Tiền Giang, Vĩnh Long) là vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả của ĐBSCL có khoảng 8,8 ngàn ha bị ảnh hưởng (chiếm 35%)…

Dự báo mùa khô năm 2020 - 2021, tình hình có khả năng tương đương mùa khô năm 2015 - 2016. Diện tích cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 80,55 ngàn ha (chiếm 23,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đến nay, đối với các thị trường “khó tính”, đã cấp được 998 mã số vùng trồng; trong đó, các mã số được cấp nhiều nhất cho thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8-2020, đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 ngàn ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói.

Riêng đối với khu vực ĐBSCL, hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong năm tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần nâng cao ý thức, nhận thức của chính quyền và nhân dân trong công tác ứng phó hạn, mặn.

Chúng ta phải xác định, có giải pháp để “sống chung” với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình hạn, mặn; tiến hành rà soát lại hệ thống thủy lợi các cấp để mùa khô sắp tới chủ động hơn trong công tác phòng, chống hạn, mặn.

Quan trọng nhất là phải chủ động trữ nước ngọt một cách căn cơ và đa dạng. Đối với cấp mã số vùng trồng, các Cục trực thuộc Bộ NN&PTNT liên quan phải xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về mã số vùng trồng này và ban hành trong năm 2021.

Trước mắt, phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, xây dựng bộ tài liệu tập huấn về xây dựng và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để tập huấn cho các địa phương…

M. THÀNH

.
.
.