Thứ Tư, 09/09/2020, 08:54 (GMT+7)
.

Duyên nợ với cây ca cao

Cùng chung niềm đam mê, nhiều dòng sản phẩm được anh chị chế biến từ hạt ca cao - với thương hiệu Alluvia - chính thức ra đời.

Chỉ sau vài năm, thương hiệu Alluvia đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới cùng với hệ thống kinh doanh tại các trung tâm thương mại sầm uất trên khắp mọi miền đất nước.

Hoạt động trải nghiệm của trẻ em tại Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron.
Hoạt động trải nghiệm của trẻ em tại Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo.

LỰA CHỌN HƯỚNG ĐI

Cùng học Ngoại thương, ra trường đi làm với ngành nghề khác nhau, nhưng cuối cùng anh Nguyễn Hải Yến và chị Nguyễn Ngọc Điệp lại cùng duyên nợ và gắn sự nghiệp với cây ca cao. Niềm đam mê với ca cao của chị Ngọc Điệp có lẽ một phần bắt nguồn từ người cha của chị - người có thời gian làm việc ở Hợp tác xã Ca cao Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Lần giở lại ký ức của những buổi đầu khởi nghiệp, chị Điệp không quên thời còn đi học thường thấy cha mình trồng, mua bán, cùng tham gia hướng dẫn người dân xung quanh trồng, kỹ thuật tỉa cành, tỉa tán cho cây ca cao. Đó là thời điểm cây ca cao mới được manh nha trồng trên vùng đất Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang của những năm 2000.

Giai đoạn này, cây ca cao mới chỉ được lấy hạt bán, chưa tạo ra nhiều sản phẩm được chế biến từ hạt ca cao như hiện nay. Hạt ca cao lúc này phần lớn được bán cho các doanh nghiệp chuyên thu mua xuất ra nước ngoài để làm socola (Chocolate). Điều này cũng đồng nghĩa, ca cao Chợ Gạo nói riêng và các tỉnh, thành trong vùng nói chung chỉ được thực hiện đến công đoạn bán hạt là chấm dứt.

Chị Ngọc Điệp giới thiệu với khách về sản phẩm từ ca cao.
Chị Ngọc Điệp giới thiệu với khách về sản phẩm từ ca cao.

Tìm hiểu thêm về ca cao, chị Ngọc Điệp nhận ra rằng, hạt ca cao của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng, một phần nhờ vào công đoạn lên men hạt sau khi thu hoạch nên hương vị của ca cao được nâng lên.

Thật ra, sản lượng hạt ca cao của Việt Nam không lớn so với bản đồ chung về vùng trồng ca cao của các nước trên thế giới, phần lớn tập trung nhiều ở các nước châu Phi hay Nam Mỹ. Ở các nước Đông Nam Á, Indonesia có sản lượng ca cao lớn nhưng thường không qua khâu lên men nên chất lượng sản phẩm được chế biến từ hạt ca cao được đánh giá chưa cao và chủ yếu để lấy bơ.

Ca cao Tiền Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung được xem là sản vật và thường được các nước mua về trộn với ca cao khác để làm ra các thanh socola. Chị Ngọc Điệp kể lại, có dịp sang Pháp, được vào thăm bảo tàng và tận mắt chứng kiến vị thế của hạt ca cao quan trọng như thế nào đối với sức khỏe con người và một thời hạt ca cao được dùng làm đơn vị tiền tệ để trao đổi với hàng hóa khác.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hạt ca cao chứa hàm lượng dinh dưỡng lớn và chỉ có nhà khá giả mới có thể mua về sử dụng. Một dịp khác khi sang châu Âu, vào cửa hàng chuyên cung ứng socola khá nổi tiếng trên thế giới, với nhiều chủng loại sản phẩm, niềm đam mê về cây ca cao và sản phẩm từ đó bắt đầu trỗi dậy.

Duyên nợ với cây ca cao của chị Ngọc Điệp bắt đầu từ đó. Chị muốn tạo thương hiệu riêng cho sản vật của địa phương và đồng thời cũng là kế sinh nhai của chính mình. Vậy là, Alluvia - thương hiệu của Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) chính thức ra đời trên quê hương Chợ Gạo.

Chị Ngọc Điệp giời thiệu một sản phẩm của Alluvia.
Chị Ngọc Điệp giới thiệu một sản phẩm của Alluvia.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm socola từ ca cao, Alluvia còn là nơi để trải nghiệm của du khách với vườn trồng ca cao, tham gia dây chuyền làm socola và các hoạt động vui chơi khác. Sau khi tham quan mô hình, một du khách đã chia sẻ: Tuần này, tụi mình đã có một chuyến đi rất vui dành cho các bé, cháu trong gia đình. Với nhu cầu tìm kiếm các hoạt động mới lạ, vừa vui chơi vừa học, vừa gần gũi thiên nhiên sau những ngày miệt mài trong phòng học, mình đã tìm thấy chương trình rất thú vị của nhà máy Socola Alluvia. Tại đây, các bé sẽ được trải nghiệm thực tế quá trình trồng, thu hoạch và chế biến để cuối cùng, các bé sẽ có những thanh socola do chính tay mình đổ khuôn, đóng gói đem về…

HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ

Bắt tay vào khởi nghiệp từ năm 2014 thông qua việc đầu tư hệ thống máy móc chế biến hạt ca cao đầu tiên từ Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng chỉ có công suất rất nhỏ. Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên Alluvia tham gia Triển lãm quốc tế ViệtFood chuyên về thực phẩm của Việt Nam.

Mang tâm trạng lo lắng của người mới khởi nghiệp, sản phẩm chế biến từ hạt ca cao cũng còn lạ lẫm trên thị trường Việt Nam, nhưng chỉ trong vòng ít giờ, 4 thùng với 96 hộp ca cao đầu tiên của Alluvia đã được bán hết. Tín hiệu mới này nhen nhóm thêm động lực, giúp chị Ngọc Điệp và anh Hải Yến tự tin hơn trên con đường mới.

Tuy nhiên, thời điểm này anh chị mới bắt đầu làm ra bột ca cao chứ chưa làm socola. Bước tiếp con đường đam mê với ca cao, anh chị tiếp tục nhập dàn máy từ Italia và bắt đầu nghiên cứu, đầu tư mạnh để sản xuất socola. Khi nhiều sản phẩm từ hạt ca cao được tạo ra cũng là lúc anh chị tập trung xây dựng hệ thống Showroom tại các trung tâm có nhiều khách nước ngoài thường hay tới và ưa thích socola.

Con đường kinh doanh sản phẩm từ ca cao của anh chị được tính toán theo 2 hướng là xuất khẩu sản phẩm trực tiếp ra nước ngoài và “xuất khẩu” tại chỗ, nghĩa là bán trực tiếp cho khách nước ngoài vào Việt Nam làm việc và sinh sống. Dần dần, sản phẩm của Alluvia được người tiêu dùng đón nhận, nhất là đối với khách nước ngoài, cơ hội kinh doanh bắt đầu mở ra, với sản lượng tiêu thụ tăng rất nhanh.

Vào lúc cao điểm như những năm 2018 - 2019, mỗi ngày dây chuyền của anh chị có thể làm ra hơn 1.500 thanh socola. Thời điểm này, Alluvia có thể sử dụng xấp xỉ 30 tấn hạt ca cao mỗi năm. Để đủ lượng hạt chế biến, Alluvia tính đến phương án bao tiêu trái ca cao, không chỉ trong khu vực huyện Chợ Gạo hay huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang mà còn mở rộng sang các tỉnh, thành lân cận. Điều mong muốn duy nhất của Alluvia là socola của Việt Nam ngon nhất và do chính người Việt Nam làm ra.

Công nhân thực hiện đổ khuôn sản phẩm ca cao Alluvia.
Công nhân thực hiện đổ khuôn sản phẩm ca cao Alluvia.

Sau mấy năm gắn bó, rất nhiều dòng sản phẩm được chế biến từ hạt ca cao mang thương hiệu Alluvia đã có mặt ở nhiều nước và được trưng bày tại nhiều trung tâm thương mại sầm uất. Chị Ngọc Điệp nói với chúng tôi rằng, trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Alluvia có 10 cửa hàng kinh doanh socola ở nhiều trung tâm du lịch lớn như: Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, Nha Trang…

Việc Alluvia lựa chọn các trung tâm du lịch lớn để mở cửa hàng kinh doanh cũng nhằm vào mục tiêu du khách người nước ngoài có thể mang nhiều nhất sản phẩm socola về nước và Alluvia cũng có tham vọng sản phẩm từ ca cao trở thành đặc trưng của Việt Nam. Nhật Bản, Hàn Quốc là khách hàng truyền thống của Alluvia. Với khoảng 90% là khách quốc tế và sản phẩm của Alluvia cũng xuất trực tiếp sang thị trường Nhật Bản nên dịch Covid-19 vừa qua cũng tác động khá lớn.

Nhiều năm gắn bó với ca cao và rất nhiều dòng sản phẩm socola được chế biến từ bột ca cao, anh Hải Yến và chị Ngọc Điệp đã dần biến ước mơ, đam mê của mình thành hiện thực.

Trước khi chia tay, chúng tôi thắc mắc vì sao chọn Alluvia làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, chị Ngọc Điệp tâm sự rằng, Alluvia có nghĩa là sự ngọt ngào, yêu thương nhưng cũng có nghĩa là đất phù sa. Alluvia muốn nhắc nhớ, đó là sản phẩm được trồng trên vùng đất phù sa và mang đến tình yêu thương cho mọi người. Và tất nhiên, niềm đam mê với ca cao của anh chị cũng sẽ được đong đầy ngay trên chính vùng đất phù sa của quê hương mình.

NHÓM PVKT

.
.
.