Thứ Tư, 09/09/2020, 14:38 (GMT+7)
.

EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố ngày 8-9, cho biết sau khi giảm liên tục 3 tháng của quý 2-2020, bước sang tháng 7-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đạt 54,2 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ chỉ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kể từ ngày 1-8-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này ghi nhận mức tăng "nhảy vọt" hai con số.

Sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường EU ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Ảnh minh họa: TTXVN
Sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường EU ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, báo cáo của VASEP cho thấy, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu tôm vào EU đạt 29,4 triệu đô la Mỹ, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo cả tháng 8 có thể đạt mức tăng đến 20% so với cùng kỳ.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở tỉnh Sóc Trăng nói với TBKTSG Online rằng, việc tham gia EVFTA đã tạo ra lợi thế rất đáng kể về mặt thuế quan khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng vào EU so với các đối thủ cạnh tranh.

“Một số sản phẩm tôm của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, trong khi các đối thủ cạnh tranh vẫn bị áp mức thuế khá cao, giúp tôm Việt vượt lên khi bán vào EU”, vị doanh nhân này cho biết, và dẫn chứng kim ngạch xuất khẩu tôm vào EU trong tháng 8-2020 đã có sự cải thiện rất rõ.

Trên thực tế, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, tôm sú đông lạnh của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, so với mức thuế GSP (General System of Preference, là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển- PV) 4,2% được áp dụng trước đó. Còn tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực.

Việc EU dành cho tôm Việt Nam mức thuế ưu đãi như nêu trên đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất tốt so với các đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Bởi, Thái Lan không được hưởng mức thuế GSP, không có FTA nên phải chịu mức thuế cơ bản là 12%, trong khi Ấn Độ và Indonesia không có FTA với EU nên cùng chịu mức thuế GSP là 4,2%. Còn Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12% do không được hưởng mức thuế GSP và không có FTA với EU.

EU hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. EU chiếm đến 13,3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm Việt Nam, theo thống kê của VASEP

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa cao do chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, như nêu ở trên, nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên các nhà nhập khẩu của EU sẽ "quan tâm" hơn đến nguồn cung từ Việt Nam.

Do tác động của dịch Covid-19 tại thị trường châu Âu, cho nên, nhu cầu sử dụng tôm tại các nhà hàng, khách sạn sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ sẽ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Chính vì vậy, tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi sẽ ít hơn, trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền và các sản phẩm tương tự sẽ tăng.

Từ đặc điểm tiêu dùng như nêu trên, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần tập trung để khai thác tốt thị trường này, nhất là vào dịp tiêu dùng cuối năm sẽ tăng cao hơn.

Theo một nguồn tin của TBKTSG Online, vào ngày 11-8 tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm lễ xuất khẩu lô tôm sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực.

(Theo https://www.thesaigontimes.vn/td/307968/evfta-co-hieu-luc-tom-viet-vao-eu-tang-truong-hai-con-so.html)

.
.
.