Thứ Tư, 25/11/2020, 10:01 (GMT+7)
.
HỘI CHỢ CÔNG THƯƠNG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - TIỀN GIANG NĂM 2020

Kết nối hàng Việt với người tiêu dùng

Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia năm 2020, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2020 (gọi tắt là Hội chợ), diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28-11 tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho).

HƠN 350 GIAN HÀNG

Hội chợ có trên 350 gian hàng đến từ 15 tỉnh, thành trong nước, trong đó có 180 gian hàng thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 và 70 gian hàng thực hiện từ nguồn xúc tiến thương mại của tỉnh Tiền Giang năm 2020.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ.
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ.

Hội chợ có nhiều hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại phong phú. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong cả nước liên doanh, liên kết, mở rộng giao thương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thương hiệu, trên cơ sở đó tạo quan hệ giao lưu phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh, Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực, là cầu nối giao lưu để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh mở rộng giao thương, hợp tác sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đây cũng là việc làm thiết thực để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ.
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ.

Điểm nổi bật của Hội chợ lần này là Tiền Giang giới thiệu trên 30 sản phẩm đặc trưng đã được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp quốc gia trong nhiều năm qua, cụ thể như: Kéo cắt cành cải tiến, Máy rửa hồng Xiêm, Máy mài lưỡi cưa tự động, Hủ tiếu Mỹ Tho, Nước đông trùng hạ thảo, Mắm tôm chà Gò Công, Trà mãng cầu Xiêm, Tinh dầu sả, Bánh phồng tôm…; cùng với nhiều mặt hàng đặc sản của các tỉnh, thành như: Lào Cai, Khánh Hòa, Kon Tum, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

KÊNH QUẢNG BÁ, MUA SẮM THUẬN TIỆN

Tham quan, mua sắm tại Hội chợ trong đêm khai mạc, cô Trần Thị Bích Ngọc, (ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết, Hội chợ lần này hàng hóa rất phong phú, hàng Việt Nam được bày bán rất nhiều. Thời gian qua, cô đã chọn nhiều mặt hàng Việt để sử dụng và nhận thấy chất lượng, mẫu mã hàng Việt không thua kém so với hàng ngoại, giá cả hợp lý. Hội chợ là nơi trưng bày, bán hàng Việt rất phong phú, đa dạng đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước, nên mỗi lần hội chợ về là ngày nào cô cũng đi tham quan, mua sắm.

Phát biểu khai mạc Hội chợ, Phó cục trưởng Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương Đỗ Thị Minh Trâm đánh giá cao công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Ban Tổ chức Hội chợ; sự tham gia tích cực của các Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và cơ sở công nghiệp nông thôn. Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân trao đổi kinh nghiệm; quảng bá thương hiệu sản phẩm, thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh, tìm hiểu đặc trưng về truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh Tiền Giang.

Còn chị Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi (ấp 6, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) cho biết, Hội chợ lần này, hợp tác xã được Sở Công thương tạo điều kiện để tham gia quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng. Theo chị Nghi, Hội chợ là kênh tuyên truyền, quảng bá hiệu quả với chi phí thấp các sản phẩm sữa dê của hợp tác xã đến người tiêu dùng. Khi tham gia Hội chợ, hợp tác xã được Sở Công thương hỗ trợ kinh phí thuê quầy, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để trưng bày sản phẩm được bắt mắt. Thông qua Hội chợ lần này, hợp tác xã mong muốn hợp tác với các chuỗi hệ thống để phân phối sản phẩm sữa dê đến với người tiêu dùng được nhiều hơn.

LÝ OANH

.
.
.