Thứ Ba, 15/12/2020, 10:44 (GMT+7)
.
Nhìn lại năm 2020:

Nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ trong thiên tai, dịch bệnh

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền nam). Ảnh: VŨ SINH
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền nam). Ảnh: VŨ SINH

Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của ngành nông nghiệp cả về cơ hội phát triển, hội nhập và thách thức thích nghi, ứng phó. Trong đó, thiên tai khốc liệt như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; còn đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành quả đáng kể trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới cho năm 2021.

Sản xuất vươn mình trong gian khó

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, tại một số tỉnh miền núi phía bắc đã xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc. So với quy luật khí hậu, đây được coi là hiện tượng bất thường của thời tiết, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau đó, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na gây ra (Covid-19) bắt đầu có những diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

Theo đó, tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, hàng trăm xe nông sản ùn ứ, nằm chờ thông quan do liên quan đến quá trình kiểm dịch và nhân lực vận chuyển từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a… cũng  ngay lập tức tạm ngừng nhập một số nông sản của nước ta với lý do lo ngại dịch bệnh. Suốt từ đó đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu và làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Giữa lúc ngành nông nghiệp trầy trật ứng phó với dịch bệnh thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xảy ra ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng; cây ăn quả, rau màu, thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề… Sau quãng thời gian ĐBSCL gồng mình chống hạn thì đến thời điểm miền trung căng mình chống lũ, bão, sạt lở đất. Từ đầu tháng 10-2020, các đợt lũ bão bắt đầu ập vào miền trung.

Lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn. Đây được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, đặt mức báo động IV, thuộc về cấp thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, nhất là tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi - những địa phương vốn trước đó là điểm nóng của dịch Covid-19 đợt hai tại Việt Nam.

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến ngành nông nghiệp nước ta đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu; đời sống nông dân trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết… Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận, là trong mỗi thời điểm gian nan, ngành nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và phát triển hữu hiệu. Trước thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Muốn vượt qua thách thức kép, nhất định toàn ngành phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội.
 
Dự báo, sau dịch bệnh, nhu cầu về lương thực, thực phẩm chắc chắn rất lớn nên ngành nông nghiệp phải thúc đẩy sản xuất để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Theo hướng đó, Bộ NN và PTNT đã liên tiếp chỉ đạo các địa phương ổn định sản xuất thông qua việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, thanh long, sầu riêng, chanh leo… Trong đó chú trọng yếu tố thị trường, nhất là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị.

Đối với các tỉnh phía nam, tập trung và định hướng rải vụ năm loại cây: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn. Các tỉnh phía bắc tập trung bố trí cơ cấu giống rải vụ thu hoạch với các loại cây: vải, nhãn, chuối, cam, bưởi, xoài, bơ. Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng, có nguy cơ rủi ro về giá cả và tiêu thụ như cam, bưởi, thì không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ và tín hiệu tích cực từ thị trường. Trong chăn nuôi, việc tái đàn lợn tại các địa phương sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi được đánh giá cao, góp phần quan trọng trong bảo đảm nguồn cung, đưa giá thịt lợn về mức hợp lý. Song có lẽ, kết quả từ các giải pháp đúng đắn được thể hiện điển hình nhất trong sản xuất lúa.

Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng sản xuất lúa vẫn được mùa, năng suất lúa các vụ đông xuân, vụ mùa và thu đông năm 2020 đều tăng so với năm 2019. Vụ đông xuân năm 2019 - 2020 là một vụ lúa thắng lợi toàn diện với năng suất đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2018 - 2019, sản lượng toàn vụ đạt 19,9 triệu tấn. Trong đó, năng suất lúa đông xuân vùng ĐBSCL đạt cao nhất cả nước với 69,7 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha. Không chỉ năng suất, sản lượng tăng, mà giá lúa tươi năm 2020 cũng tăng kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây, đem đến niềm vui và lợi nhuận đáng kể cho người nông dân. Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa và giá trị quan trọng về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện các nước trên thế giới đều tăng mạnh nhu cầu tích trữ lương thực trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. 

Xuất khẩu bứt phá thành công 

Theo Bộ NN và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11-2020 đạt 3,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của nước ta đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê, hiện có tám nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn một tỷ USD; trong đó có bảy nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn hai tỷ USD (cà-phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,85 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD). Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 đến 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông - Nam Á về xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương.

Mức tăng trưởng đó cũng thể hiện rõ nét khả năng thích nghi và ứng phó của các ngành hàng nông nghiệp nước ta trong điều kiện xuất khẩu nông sản gặp vô vàn khó khăn. Đó là việc Bộ NN và PTNT tích cực triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và công bố mở cửa giao thương lại bình thường. Chính vì vậy, dù có sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc vẫn đứng vị trí đầu về nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất để đưa khả năng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lên mức cao nhất có thể. 

Tuy nhiên, điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu nhờ vào những lợi thế khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Ngay sau đó, nhiều lô hàng nông sản của nước ta liên tiếp được xuất khẩu sang châu Âu với mức thuế ưu đãi là 0%, cụ thể như: gạo, trái cây, thủy sản…

So với tháng 7-2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8 và tháng 9-2020 của nước ta lần lượt tăng 11,5% và 32,4%, đã góp phần khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng khắt khe của châu Âu. Điều quan trọng là với EVFTA, ngành nông nghiệp nước ta còn có cơ hội thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng theo tiêu chuẩn EU.

Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng ổn định và minh bạch hơn vì hệ thống pháp luật được điều chỉnh, bổ sung quy định để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Những lợi ích đó là đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam không chỉ ở thị trường châu Âu mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Mới đây nhất, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến của nước ta trong thời gian tới.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt các cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững… để đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Muốn vậy, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; bám sát quy định của các FTA để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào các thị trường chất lượng, vừa đem lại kim ngạch cao vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, giá trị thấp. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành nông nghiệp thì thời gian tới, Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư hiệu quả hơn nữa cho lĩnh vực này để nông nghiệp có thể phát huy tốt nhất vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong nhiều thời điểm.

(Theo https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/nong-nghiep-chuyen-minh-manh-me-trong-thien-tai-dich-benh-628139)

 

.
.
Liên kết hữu ích
.