Thứ Bảy, 09/01/2021, 16:04 (GMT+7)
.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ sữa dê

Khởi nghiệp với nghề nuôi dê thịt nhưng nhận thấy đầu ra khá bấp bênh nên anh Nguyễn Hoàng Trí (ấp 6, xã Tam Hiệp, Châu Thành) quyết định chuyển sang nuôi dê sữa, rồi đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sữa dê gắn với liên kết sản xuất - tiêu thụ và kết nối với một số tour du lịch nhằm quảng bá, mở rộng đầu ra…

Sau gần 6 năm chuyển đổi từ mô hình nuôi dê thịt sang nuôi dê sữa gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ sữa dê, hiệu quả do mô hình mới này mang lại đã khẳng định ý tưởng mang tính đột phá của anh Nguyễn Hoàng Trí.

MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI

Anh Nguyễn Hoàng Trí cho biết, trong một lần nuôi mẹ trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), qua trò chuyện, được bác sĩ điều trị mẹ anh chia sẻ về những lợi ích vượt trội của sữa dê đối với sức khỏe, anh nảy sinh ý tưởng chuyển từ mô hình nuôi dê thịt sang nuôi dê sữa với mong muốn có được thu nhập khá hơn.

 Anh Nguyễn Hoàng Trí tại trang trại dê của HTX Nông nghiệp Đông Nghi.
Anh Nguyễn Hoàng Trí tại trang trại dê của HTX Nông nghiệp Đông Nghi.

Đầu năm 2014, anh quyết định bán hết đàn dê thịt và đầu tư đàn dê sữa với tổng số gần 300 con. Tuy nhiên, thời điểm đó, nghề nuôi dê sữa cũng gặp một số khó khăn như: Do có vị hơi mặn và có mùi đặc trưng nên sữa dê tươi không hấp dẫn người tiêu dùng bằng sữa bò. Thêm vào đó, sữa dê tươi sau khi thanh trùng chỉ bảo quản lạnh được tối đa 7 ngày, nên nếu thời gian tiêu thụ chậm rất dễ bị hỏng...

Sau nhiều đêm trăn trở, anh suy nghĩ phải tìm cách biến sữa dê thành các dạng sản phẩm chế biến phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và có thời gian bảo quản, sử dụng lâu hơn nhằm giải quyết tốt vấn đề đầu ra.

Sau khi bàn bạc, vợ anh (chị Lê Khắc Đông Nghi) xin nghỉ việc làm ở cơ quan nhà nước để cùng anh tiếp tục khởi nghiệp. Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, đôi vợ chồng trẻ đã thử nghiệm thành công và cho ra đời 2 dòng sản phẩm gồm: Sữa chua (yaout) và bánh flan tươi làm từ sữa dê. Do có khẩu vị phù hợp, hạn sử dụng cũng dài hơn sữa tươi (sữa chua là 30 ngày, bánh flan là 12 ngày), đặc biệt, không sử dụng chất bảo quản, nên 2 dòng sản phẩm mới này rất được khách hàng ưa chuộng.

ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM, LIÊN KẾT SẢN XUẤT - TIÊU THỤ

Sau khi sản xuất thành công 2 sản phẩm đầu tay nêu trên, đôi vợ chồng trẻ tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thêm 2 dòng sản phẩm mới nữa, gồm: Sữa chua và bánh flan sấy làm từ sữa dê với hạn sử dụng 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Theo anh Trí, 2 dòng sản phẩm mới này sử dụng công nghệ sấy thăng hoa (sấy khô lạnh ở nhiệt độ -40oC).

Do hơi nước được loại bỏ nhanh nên sản phẩm gần như lưu giữ được tối đa hương vị và thành phần dinh dưỡng của nguyên liệu. Sau bước hoàn thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì, công bố chất lượng sản phẩm, đôi vợ chồng trẻ nghĩ ngay đến việc liên kết đầu vào, đầu ra để quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Yaout và bánh flan sữa dê sấy của HTX Nông nghiệp Đông Nhi.
Yaout và bánh flan sữa dê sấy của HTX Nông nghiệp Đông Nhi.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 10-2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi được thành lập, chị Lê Khắc Đông Nghi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. Về liên kết đầu vào, HTX ưu tiên thu mua sữa tươi của xã viên với mức giá ổn định.

Còn về đầu ra, HTX liên kết với Khu du lịch Điền Lan Thôn Trang (ấp 5, xã Tam Hiệp, Châu Thành) tổ chức đưa, đón du khách tham gia tour trải nghiệm tại HTX gồm: Tham quan trang trại nuôi dê, chụp ảnh lưu niệm với đàn dê, thưởng thức các sản phẩm chế biến từ sữa dê với giá vé trọn gói là 40 ngàn đồng/người.

Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng cung ứng thường xuyên sản phẩm yaout và bánh flan sữa dê tươi cho một số trường mầm non, tiểu học trong tỉnh (TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phước…) và ngoài tỉnh để bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày cho trẻ. Theo chị Nghi, những đoàn khách tham gia tour trải nghiệm tại HTX, sau khi tham quan, dùng thử sản phẩm, cảm giác lạ miệng và hợp với khẩu vị nên họ thường mua hàng với số lượng lớn (có đoàn mua từ 5 - 10 triệu đồng tiền hàng) làm quà biếu người thân, bạn bè.

Tính đến nay, HTX đã xây dựng được kênh phân phối sản phẩm bao gồm hệ thống đại lý tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh như: Bến Tre, An Giang, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, HTX còn chuẩn bị ký hợp đồng với Co.opmart để đưa sản phẩm yaout và bánh flan sấy vào tiêu thụ tại siêu thị.

“HTX đang xúc tiến việc hoàn thiện quy trình để đề nghị Sở Công thương thẩm định trình UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm chế biến từ sữa dê của HTX đạt chuẩn OCOP. Sau đó, sản phẩm sẽ được tổ chức quảng bá, giới thiệu với du khách tại các điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh theo Đề án của Sở Công thương” - chị Nghi phấn khởi cho biết.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.