Thứ Năm, 18/02/2021, 09:21 (GMT+7)
.

Một số giải pháp xử lý tình huống hạn, mặn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2020 - 2021, tổng lưu lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ bằng 55% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2019 và thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Do đó, tình trạng thiếu nước, mặn sớm và xâm nhập sâu sẽ diễn ra.

Cũng theo dự báo, trong các tháng mùa khô năm nay sẽ có các cơn mưa trái mùa nên tình hình sẽ ít khốc liệt hơn mùa khô năm 2019 - 2020. Tuy nhiên, nếu thời tiết cực đoan hơn, mưa trái mùa rất ít thì tình hình hạn, mặn năm nay sẽ như mùa khô năm 2019 - 2020. Với hiện trạng và xu hướng sử dụng nguồn nước Mê Kông ở thượng nguồn ngày càng gia tăng, cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt ở ĐBSCL từ nay trở đi, vào mùa khô, hạn, mặn sẽ luôn là vấn đề quan trọng.

Công trình đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành).
Công trình đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành).

Tiền Giang là tỉnh nằm trong vùng ĐBSCL và tiếp giáp Biển Đông, dân số hơn 1,772 triệu người, kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn (37,1%), 136 ngàn ha gieo trồng lúa, trên 80 ngàn ha vườn cây ăn trái (lớn nhất nước), 57 ngàn ha rau màu, 478 ngàn con heo và 16 triệu con gia cầm (năm 2020). Ngoài nước ngọt cho sản xuất cũng còn cần một lượng lớn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Do đó, để góp phần ứng phó sự thiếu hụt nguồn nước ngọt và mặn xâm nhập xin nêu mấy giải pháp xử lý cần nghiên cứu như sau:

1. Về sản xuất:

a. Chuyển đổi lịch mùa vụ và cơ cấu cây trồng:

+ Khu vực phía Đông (từ phía Đông kinh Chợ Gạo đến ven biển): Thực hiện nghiêm đề án cắt vụ và chuyển đổi mùa vụ: Khu 2 vùng 3 Ngọt hóa Gò Công (NHGC) chỉ nên làm 2 vụ lúa, 1 lúa 2 màu hoặc chuyên màu; sản xuất lúa vùng này cần đảm bảo thu hoạch trước ngày 15-1 hằng năm. Nhưng nếu sản xuất rau màu, cây ăn trái (như thanh long), nên thực hiện chủ trương dành một diện tích nhất định hoặc dùng túi nhựa để trữ nước ngọt tại nông hộ. Về lâu dài, để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, toàn khu vực NHGC chỉ nên sản xuất 1 - 2 vụ lúa và luân canh với rau màu phù hợp, có thị trường tiêu thụ theo phương thức chuỗi giá trị và GAP.

+ Khu vực giữa thuộc hệ thống Dự án Bảo Định là vùng sản xuất tập trung cây thanh long, bưởi da xanh và hoa kiểng tết cần lượng nước ngọt tưới rất lớn nên phải chuyển nước ngọt từ hệ kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Phủ Chung về hệ thống Bảo Định để tưới cho vùng này.

+ Khu vực phía Tây thuộc các huyện Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, TX. Cai Lậy và một phần huyện Cái Bè là vùng sản xuất tập trung một số chủng loại cây ăn trái, rau màu có giá trị kinh tế cao nên hoàn toàn phải kiểm soát mặn triệt để. Cần báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nghiên cứu dự án ngăn mặn, trữ ngọt (quy mô như Dự án NHGC) lấy tỉnh lộ 864, tỉnh lộ 865, tỉnh lộ 869 (Hậu Mỹ Phú - Hậu Mỹ Bắc A) tiếp giáp Dự án Bảo Định làm phạm vi nghiên cứu.

Trước mắt, trong khi chờ chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay thời điểm này, theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn để đắp các đập trên tỉnh lộ 864 và các đập ngăn mặn từ phía sông Vàm Cỏ. Đối với cù lao Ngũ Hiệp, trước mắt vận động người dân gia cố đê bao hiện có, đủ sức chống xâm nhập mặn và cho khoan một số giếng tầng sâu để cấp nước ngọt khi cần thiết. Nhưng về lâu dài, UBND tỉnh nên cho nghiên cứu dự án ngăn mặn, trữ ngọt hoàn chỉnh. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cần sớm triển khai Quy hoạch sản xuất nông nghiệp vùng Bắc Quốc lộ 1A sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

+ Khu vực huyện Tân Phú Đông, vừa qua việc chuyển nước ngọt từ Nhà máy nước Đồng Tâm qua khu vực này mới giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Nhưng để huyện có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cần thiết phải có nguồn nước ngọt, trữ lượng lớn tại chỗ. Trước đây đã có chủ trương ngăn một phần sông Cửa Trung để trữ nước ngọt trong mùa khô, vấn đề này cần nên khởi động lại. Một vấn đề nữa cũng rất cần thiết để phát triển du lịch sinh thái khu vực đuôi Cồn Cống là Dự án Gây bồi trồng rừng sớm nối với Cồn Ngang.

b. Chọn tạo giống thích nghi với vùng nước lợ ven biển Gò Công: Ngoài việc phát triển nuôi trồng thủy sản và phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu chọn tạo: Giống lúa chịu mặn, vịt chịu mặn…

2. Về nước sinh hoạt cho người dân: Một vấn đề đặt ra, với tình hình sử dụng nguồn nước Mê Kông ngày càng khó khăn trong điều kiện BĐKH ngày càng gay gắt, mặn có xu thế lấn sâu vào nội địa, chắc chắn nguồn cung cho Nhà máy nước Đồng Tâm sẽ bị đe dọa, nên chăng UBND tỉnh chỉ đạo sớm nghiên cứu dự án cấp nước nguồn cho nhà máy này theo hướng: Kéo nước ngọt từ Tân Thanh - Cái Bè về theo trục tỉnh lộ 864.

3. Về cung cấp nguồn nước ngọt cho vùng NHGC: Với xu thế mặn xâm nhập ngày càng sớm và sâu, thời gian lấy nước ngọt từ cống Xuân Hòa sẽ càng ngắn lại. Việc tích nước vào hệ thống NHGC sẽ không đủ phục vụ cho sản xuất và dân sinh trong vùng. Nên chăng cần nghiên cứu giải pháp đưa nước ngọt từ hệ thống Bảo Định qua kinh Chợ Gạo nạp bổ sung vào NHGC.

TS. NGUYỄN VĂN KHANG

Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Tiền Giang

.
.
.