Thứ Hai, 22/02/2021, 10:09 (GMT+7)
.

Táo bạo khởi nghiệp các ngành hàng có tính cạnh tranh cao

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ và khởi nghiệp ở các ngành hàng đang có tính cạnh tranh cao còn khó khăn hơn rất nhiều. Chúng tôi đã được các “start-up” của tỉnh Tiền Giang chia sẻ về quyết định táo bạo khởi nghiệp ở các ngành hàng có tính cạnh tranh cao.

* ANH NGUYỄN NGUYÊN ĐĂNG, CHỦ NHIỆM TỔ HỢP TÁC CÀ PHÊ XANH (PHƯỜNG 9, TP. MỸ THO):

Ngành hàng cạnh tranh cao vừa là khó khăn, vừa là cơ hội

Với niềm đam mê đối với cà phê, năm 2018, anh Nguyễn Nguyên Đăng (khu phố 6, phường 9, TP. Mỹ Tho, công tác tại Trường Cao đẳng Tiền Giang) đã cùng với nhóm bạn thành lập Tổ hợp tác Cà Phê Xanh (gọi tắt là Tổ hợp tác).

Anh Nguyễn Nguyên Đăng đang dần tìm được thị trường cho thương hiệu của mình.
Anh Nguyễn Nguyên Đăng đang dần tìm được thị trường cho thương hiệu của mình.

Anh Đăng đã mạnh dạn vay vốn và nghiên cứu tự lắp ráp hệ thống rang xay cà phê từ mẫu có sẵn để phù hợp với nhu cầu sản xuất. Với chất lượng sản phẩm tốt, cà phê của Tổ hợp tác đã dần được sự ưa chuộng của người tiêu dùng ở nhiều tỉnh như: Hà Giang, Yên Bái, Bình Dương, Bến Tre… Đến thời điểm hiện tại, Tổ hợp tác đã mở rộng sản xuất với nhà xưởng rang cà phê có công suất 40 kg/giờ, trung bình mỗi tháng xuất xưởng từ 300 - 500 kg cà phê.

Theo anh Nguyễn Nguyên Đăng, cà phê là ngành hàng chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi hiện nay có rất nhiều thương hiệu lớn nhỏ và cả các cơ sở sản xuất trong tỉnh. Anh Đăng cho biết: “Thị trường cà phê hiện nay gần như đã bão hòa và có tính cạnh tranh rất cao. Sản phẩm cà phê mộc pha máy chủ lực của Tổ hợp tác hiện đang có phần “kén khách” nên tôi đã cho ra đời nhiều sản phẩm phụ khác như cà phê hạt pha phin, cà phê hạt tẩm hương… hướng vào phân khúc thị trường các quán cà phê vỉa hè”.

“Một ngành hàng đang có tính cạnh tranh cao từ nhiều thương hiệu chứng tỏ ngành hàng đó có dư địa thị trường lớn, nhu cầu của người tiêu dùng cao và tỷ suất lợi nhuận lớn. Do đó, “start-up” ở những ngành hàng này sẽ dễ tìm được phân khúc khách hàng của mình khi có sẵn một thị trường lớn” - Anh Đăng cho biết thêm.

* ANH CAO HỮU TÀI, SHOP HOA LONG PHỤNG (PHƯỜNG 9, TP. MỸ THO):

Sự khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh

Với niềm đam mê nghệ thuật trang trí hoa tươi, chưng nghi, từ năm 2016 anh Cao Hữu Tài quyết định khởi nghiệp với Shop hoa Long Phụng. Ngành hàng hoa tươi và hoa trang trí đang có tính cạnh tranh khá cao khi hiện nay có nhiều cơ sở lớn đang hoạt động ở lĩnh vực này. Do đó, anh Tài đã thất bại chỉ sau 8 tháng shop đi vào hoạt động do không thể cạnh tranh với các shop hoa khác.

Anh Tài chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng khi thất bại mình cần phải thật bình tĩnh để tìm hiểu rõ các nguyên nhân vì sao cùng một ngành hàng nhưng các cơ sở khác lại có khách, có thị trường để tìm cách khắc phục, thay đổi tạo lợi thế cạnh tranh cho mình”.

Anh Cao Hữu Tài đã khai thác “khoảng trống”  chưng nghi, tiệc, lễ để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.
Anh Cao Hữu Tài đã khai thác “khoảng trống” chưng nghi, tiệc, lễ để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.

Sau thời gian tìm hiểu, anh Tài nhận thấy sự khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là tay nghề trang trí. Do đó, anh đã tìm tòi để từng bước nâng cao tay nghề. Cùng với đó, anh Tài cũng đã tìm hiểu và biết được việc cắm hoa, trang trí chưng nghi đám tiệc vẫn còn “khoảng trống” rất lớn để khai thác. Từ đó, Shop hoa Long Phụng đã cho ra mắt các dịch vụ mới như: Chưng nghi đám tiệc, mâm quả cưới, trang trí rồng, phụng từ trái cây, cổng cưới, bánh phu thê… tạo được lợi thế cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Anh Tài chia sẻ: “Người khởi nghiệp bên cạnh sản phẩm chính của mình, cần phải có sản phẩm phụ liên quan để vừa có thể tạo thêm nguồn thu và cũng vừa quảng bá sản phẩm chính đến gần với khách hàng hơn. Cụ thể, ngành hàng chính của shop là bán hoa trang trí và ngành hàng này đã được các dịch vụ như chưng nghi, trang trí bổ trợ và mở rộng thị trường thêm rất nhiều trong suốt thời gian qua”.

* CHỊ NGUYỄN NGỌC ĐIỆP, CÔNG TY TNHH CA CAO XUÂN RON (XÃ BÌNH NINH, HUYỆN CHỢ GẠO):

Muốn khởi nghiệp thành công thì phải “liều, lỳ và lanh”

Chị Nguyễn Ngọc Điệp bắt đầu ý tưởng sản xuất chocolate sau khi thấy cha mình trồng, mua bán, hướng dẫn người dân xung quanh trồng và chăm sóc cây ca cao.

Chị Nguyễn Ngọc Điệp (bìa trái) cho rằng, khởi nghiệp  cần phải kiên trì với ý tưởng của mình.             Ảnh: MINH THÀNH
Chị Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, khởi nghiệp cần phải kiên trì với ý tưởng của mình. Ảnh: MINH THÀNH

Sau khi tốt nghiệp ngành Ngoại thương và có thời gian công tác ở nước ngoài, chị Điệp nhận thấy chocolate rất được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng và ca cao (nguyên liệu chính làm chocolate) của Việt Nam là nguyên liệu được đánh giá cao. Từ đó, chị Ngọc Điệp và chồng mình là anh Hải Yến quyết định thành lập Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron ngay tại vùng nguyên liệu ca cao lớn là huyện Chợ Gạo.

Chị Ngọc Điệp cho biết: “Chocolate là ngành hàng có từ rất lâu đời với nhiều “gã khổng lồ” ở ngành này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để ý tưởng có thể sống được trong môi trường cạnh tranh cao, mình cần phải tìm ra được cách làm mới từ “truyền thống” để có thể thu hút người tiêu dùng”.

Cách làm chocolate từ hạt ca cao tự nhiên được sản xuất từ nguồn nguyên liệu ngay tại huyện Chợ Gạo mang thương hiệu Chocolate Alluvia của công ty đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng với hệ thống cửa hàng ở các điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước như: Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Chị Ngọc Điệp chia sẻ: “Khởi nghiệp nói chung nếu muốn thành công cần phải liều, lỳ và lanh. “Start-up” cần phải chấp nhận mạo hiểm rồi hãy nghĩ đến thành công. Ngoài ra, khởi nghiệp cần phải lỳ vì thời gian đầu 99% là sẽ bị lỗ nên “start-up” cần phải kiên trì để nuôi dưỡng. Đặc biệt, “start-up” cần phải lanh lợi nắm bắt thị trường để có thể giúp sản phẩm của mình có thể “sống” được trước các biến động của thị trường”.

CAO THẮNG

.
.
.