Thứ Sáu, 19/03/2021, 10:15 (GMT+7)
.
BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH NĂM 2020 - 2021

Giải bài toán thiếu lao động trong doanh nghiệp

Thiếu lao động phổ thông đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là đối với các công ty trong khu, cụm công nghiệp.

Hiện hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra khá sôi động. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn rất khó thu hút lao động vào làm việc.

KHÓ TUYỂN DỤNG

Thời gian qua, dù một số doanh nghiệp đăng tuyển lao động khá lâu, tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn..., nhưng số lao động tuyển được vẫn thấp so với nhu cầu.

Do mở rộng sản xuất giày xuất khẩu, Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) cần tuyển thêm 2.000 lao động. Tuy nhiên, công ty đang gặp khó khăn trong tuyển dụng vì thiếu nguồn lao động mới. Tương tự, Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương) cũng đang gặp khó trong tuyển dụng lao động (nhu cầu tuyển 2.000 lao động). Để tuyển được lao động vào làm việc, công ty đã đến các vùng sâu, vùng xa để đăng thông tin tuyển dụng nhưng cũng chỉ tuyển được một số ít.

Lao động phổ thông đang làm việc trong ngành may mặc.
Lao động phổ thông đang làm việc trong ngành may mặc.

Hay Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) chuyên sản xuất giày xuất khẩu, sau tết có khoảng 94% công nhân, lao động quay trở lại làm việc. Hiện công ty đang cần tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất và bổ sung cho những công nhân nghỉ việc, nhảy việc… Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Lê Thị Ngọc Hân cho biết, để thu hút công nhân vào làm việc, thời gian qua công ty tuyển lao động bằng nhiều hình thức như đăng thông tin tuyển dụng lao động ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; trên mạng xã hội như Facebook, Zalo; phát tờ rơi; liên hệ trung tâm giới thiệu việc làm của các sở, ban, ngành và qua người lao động đang làm việc trong công ty như khuyến khích người lao động giới thiệu người thân, bạn bè có nhu cầu việc làm để tuyển dụng.

"Toàn tỉnh đang thiếu khoảng 20.000 công nhân, lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh tập hợp và đề nghị những doanh nghiệp thiếu công nhân, lao động liên hệ các sàn giao dịch việc làm của trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm nguồn lao động. Đồng thời, thông báo trên toàn hệ thống Công đoàn để phổ biến đến gia đình, công nhân, viên chức, lao động, để người có nhu cầu nắm được thông tin và chủ động xin việc. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ đề xuất lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ trong việc tuyển dụng lao động”.

CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH TRƯƠNG VĂN HIỀN

Trước tình trạng trên, để tuyển được và giữ chân người lao động làm việc lâu dài, một số doanh nghiệp đã có những chính sách ưu đãi, như: Nếu công nhân đã có tay nghề sẽ được trả lương, chế độ như công nhân đã được ký hợp đồng, còn lao động mới sẽ được công ty đào tạo tay nghề…

ĐI TÌM LỜI GIẢI

Theo Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Thị Thùy Dương, tuyển dụng lao động đang trở thành vấn đề nan giải của các doanh nghiệp, do thiếu nguồn cung lao động mới. Chỉ khi doanh nghiệp nào giảm số lượng lao động thì doanh nghiệp khác mới có nguồn lao động để tuyển. Để giải quyết vấn đề thiếu lao động, thời gian qua các công ty phải tuyển dụng lao động ở xa nhưng cũng không được nhiều.

Còn Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nhu cầu tuyển dụng phần lớn là lao động phổ thông, nhưng nguồn lao động phổ thông ngày càng khan hiếm. Do đó, các hoạt động giao dịch việc làm kết nối đạt kết quả chưa cao. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nguyễn Thị Dân Quyền cho biết, thời gian tới trung tâm tiếp tục cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động cho người lao động thất nghiệp, hoạt động sàn giao dịch việc làm tại cơ sở 2 và chi nhánh; phổ biến thông tin thị trường lao động qua các hoạt động tư vấn, tuyên truyền tại địa phương.

Định kỳ, trung tâm cung cấp thông tin thị trường lao động về các địa phương, các trường, cơ sở đào tạo, các hội, đoàn thể; cập nhật thông tin tuyển dụng trên website và fanpage của trung tâm. Đồng thời, trung tâm sẽ phối hợp với các trường để tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại sàn giao dịch việc làm và các phiên lưu động tại các huyện trong tỉnh; tiến tới tổ chức sàn giao dịch việc làm online, liên kết sàn giao dịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp để cung ứng cho doanh nghiệp; phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp tư vấn tổ chức lớp nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trương Văn Hiền cho rằng, muốn giữ chân người lao động, trước hết doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm các chế độ, chính sách đãi ngộ cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp xã hội, chăm lo phúc lợi cho người lao động; tạo môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, ổn định và tiến bộ để người lao động xem doanh nghiệp như là nhà của mình.

Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm, đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để kịp thời giải quyết thỏa đáng những nhu cầu của công nhân, tránh trường hợp công nhân làm việc với tâm lý bất an, “đứng núi này trông núi nọ”… Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng là những yếu tố góp phần rất lớn để giữ chân người lao động. Nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, trường học, dự án thiết chế Công đoàn... cần sớm triển khai xây dựng nhằm thu hút, giữ chân được người lao động làm việc ổn định lâu dài.

Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm. Qua đó, có 28 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 2.573 lao động và có 9 lượt doanh nghiệp gián tiếp ủy thác cho trung tâm tuyển dụng khoảng 1.150 lao động; thu hút 1.172 lượt lao động tham gia.
 

LÝ OANH

.
.
.