Chủ Nhật, 14/03/2021, 08:16 (GMT+7)
.

Bangladesh sẽ mua 50.000 tấn gạo từ Việt Nam

Cùng với hợp đồng mua 50.000 tấn gạo Việt Nam, Bangladesh cũng vừa có quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo không đồ (non-boiled rice) từ 65% xuống 25% để tăng nguồn cung cho thị trường.

Theo TTXVN, ông AHM Mustafa Kamal, Bộ trưởng Tài chính Bangladesh rằng, Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất nhập khẩu tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp (DPM) từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp ngày 10-3 của Ủy ban Nội các về các vấn đề kinh tế do ông Kamal chủ trì.

Các đại sứ của nước này tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sẽ đàm phán với các công ty và tổ chức liên quan để ấn định giá gạo nhập khẩu.

Nông dân thu hoạch lúa đông xuân tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nguyệt Nhi
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nguyệt Nhi

Tại Việt Nam, giá lúa gạo trên thị trường phản ứng khá nhanh nhạy trước thông tin có thêm hợp đồng từ Bangladesh. Một số doanh nghiệp cho biết, trong hai tuần qua, khi bắt đầu vào thu hoạch chính vụ đông xuân, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tục giảm.

Tuy nhiên, từ 10-3 đến nay, giá lúa gạo có dấu hiệu chững lại và muốn tăng lên khi có thông tin Việt Nam có thêm hợp đồng mới. Dẫu vậy, do tình hình xuất khẩu hiện tại vẫn còn khá trầm lắng, ngoài hợp đồng với Bangladesh vẫn chưa đưa ra được mức giá cụ thể, thị trường Philippines chưa có nhiều thông tin tích cực… nên lúa gạo trong nước chưa đủ lực đẩy để có thể tăng giá mạnh mẽ trở lại.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), thông tin, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo vẫn đang tranh thủ mua vào. Vì nếu không mua lúa vụ đông xuân, doanh nghiệp sẽ không có nguyên liệu để cung cấp cho các hợp đồng gạo chất lượng cao. Lúa gạo các vụ khác như hè thu, thu đông… có chất lượng kém hơn nhiều so với sản phẩm vụ đông xuân.

Riêng tại Tiền Giang, vẫn chưa vào chính vụ thu hoạch. Do đó, công ty Việt Hưng gặp khó khăn hơn trong việc thu mua, do giá còn giữ ở mức cao và nguồn cung vẫn hạn chế.

Theo ông Đôn, hiện giao dịch xuất khẩu gạo trên thị trường vẫn khá trầm lắng. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng thời gian gần đây, quốc gia này đẩy mạnh nhập khẩu thông qua các hợp đồng thương mại (B2B) thay vì hợp đồng chính phủ (G2G). “Mà các hợp đồng thương mại thì họ mua giá rất thấp, các nguồn cung cạnh tranh khốc liệt nữa nên càng khó cho doanh nghiệp Việt Nam!”, ông Đôn nhận định.

Ghi nhận của công ty Việt Hưng cho thấy, trong 2 tuần qua, giá lúa tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Nhờ đó, giá gạo xuất khẩu cũng đã giảm khoảng 40-50 đô la Mỹ/tấn.

Đây là mức giá hợp lý để các nước nhập khẩu đồng ý mua vào. Việc còn lại là đợi thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo cho năm 2021 của Philippines. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tính toán các kế hoạch kinh doanh tiếp theo.

“Nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của Philippines hiện vẫn có, một số doanh nghiệp cũng đã ký được các hợp đồng thương mại nhưng số lượng không nhiều, chưa đủ để chi phối thị trường lúa gạo trong nước nên các doanh nghiệp vẫn đang phải tìm kiếm thêm các hợp đồng mới”, ông Đôn cho biết.

(Theo thesaigiontimes.vn)

.
.
.