Thứ Tư, 10/03/2021, 15:54 (GMT+7)
.

Bảo vệ vùng chuyên canh rau màu trong mùa hạn, mặn

Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ vùng chuyên canh rau màu trước diễn biến của hạn, mặn như khai thông dòng chảy và bơm trữ nước ngọt…

CHỦ ĐỘNG TỪ CHÍNH QUYỀN

UBND huyện Châu Thành đã có văn bản gửi 22 xã và thị trấn Tân Hiệp với các nội dung trọng tâm như: Thường xuyên cập nhật và tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người dân về diễn biến mặn trên sông Tiền để nhân dân chủ động ứng phó, không để nước mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, UBND huyện Châu Thành cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống bờ bao, cống và cửa cống dưới bờ bao, đảm bảo cho việc ngăn mặn xâm nhập vào các vùng trồng; tổ chức nạo vét bùn, trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các kinh nội đồng trên địa bàn. Tùy theo tình hình thực tế, UBND các xã quyết định thời gian đóng cống do xã quản lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất…

Các liếp rau ở huyện Châu Thành vẫn đang phát triển xanh tốt nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, mặn.
Các liếp rau ở huyện Châu Thành vẫn đang phát triển xanh tốt nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, mặn.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Phan Văn Diền cho biết: “Diện tích rau màu của xã tập trung ở 5 ấp phía Nam Quốc lộ 1 với tổng diện tích 524 ha. Trong đó, rau diếp cá chiếm diện tích lớn nhất và rất mẫn cảm với nước mặn. Do đó, UBND xã đã tập trung nạo vét các tuyến kinh nội đồng, xây dựng kế hoạch tu sửa 43 cống, đập và phân công lực lượng phòng, chống hạn, mặn phụ trách các tuyến kinh”.

Còn theo công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Tam Hiệp Nguyễn Thị Mộng Tuyền, xã Tam Hiệp đã lập kế hoạch tổ chức 18 điểm bơm chuyền ở các tuyến kinh để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, trong đó có 580 ha rau màu với các loại rau mẫn cảm với mặn như rau răm, rau ôm, rau má…

Khi dự báo mặn có khả năng xâm nhập vào địa bàn, Tổ Quản lý khai thác công trình thủy lợi các ấp sẽ chịu trách nhiệm lấy mẫu nước tại các điểm: Cầu Rượu, cống Bờ Đắp, cống Kháng Chiến, cống Bé Đây, cầu Phủ Chung, cống Ông Thôn, cống Nhà Thờ, cầu Chợ Bưng, cầu Rạch Bến Chùa… gửi về UBND xã cho cán bộ nông nghiệp xã đo độ mặn hằng ngày để tham mưu cho UBND xã đóng mở các cửa cống theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

VÀ Ý THỨC CỦA NGƯỜI DÂN

Ghi nhận thực tế ở xã Nhị Bình, hiện tại các trà rau trên địa bàn xã vẫn đang phát triển tốt, chưa bị ảnh hưởng hạn, mặn. Dù vậy, người dân đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp tưới nước hiệu quả và hạn chế việc bốc hơi nước. Trà rau diếp cá 3.000 m2 của ông Lê Văn Công (ấp Nam, xã Nhị Bình) đã được che lưới cách nhiệt từ hơn một tuần nay để bảo vệ vụ rau trước ảnh hưởng của hạn, mặn.

Ông Lê Văn Công cho biết: “Tôi đã bắt đầu che lưới cách nhiệt từ hơn 3 năm qua và mỗi năm đầu tư thêm để tái sử dụng. Việc sử dụng lưới cách nhiệt giúp giảm được khoảng 50% lượng nước tưới trong mùa hạn nhưng cây rau vẫn giữ được độ tươi, không bị héo lá”. Mô hình sử dụng lưới cách nhiệt để che nắng này đang được nhiều hộ dân ở xã Nhị Bình áp dụng do phát huy hiệu quả ở mùa hạn, mặn năm 2020.

Huyện Châu Thành có vùng trồng rau màu lớn của tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích gieo trồng 14.700 ha, tập trung ở các xã: Long An, Tam Hiệp, Nhị Bình…, trong đó, diện tích chuyên canh 1.700 ha. Trong quý I-2021, diện tích cây rau màu các loại trên địa bàn huyện là 4.895 ha, trong đó diện tích thu hoạch 4.456 ha.

Còn ông Nguyễn Hồng Hiệp (ấp 4, xã Tam Hiệp) cho biết: “Nghe thông tin từ đài truyền thanh xã về hạn, mặn, tôi đã tranh thủ nạo vét các mương nội đồng gần trà rau của mình để lấy nước từ kinh lớn vào và bơm trữ nước ở các mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho 7.000 m2 ngò gai và tía tô của mình”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành Huỳnh Hữu Hòa cho biết, hiện tại các trà rau màu trên địa bàn huyện đều đang phát triển tốt, chưa bị ảnh hưởng hạn, mặn. Việc UBND tỉnh chủ động kịp thời đắp đập thép trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã giúp cho các địa phương và nông dân thuận lợi trong việc trữ nước và phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. So với năm 2020, năm nay, người dân đã chủ động hơn trong việc bơm trữ nước và khơi thông dòng chảy để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra xâm nhập mặn.

Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức 3 đoàn công tác phụ trách địa bàn để tăng cường tính chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống hạn, mặn. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn, mặn để kịp thời tham mưu UBND huyện đề ra các biện pháp chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp của người dân.

CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
.