Thứ Sáu, 09/04/2021, 10:22 (GMT+7)
.

Bước chuyển của hợp tác xã kiểu mới

75 năm kể từ ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông dân tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 11-4 là Ngày HTX Việt Nam, phong trào kinh tế tập thể (KTTT), HTX của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng lẫn chất lượng.

Trong quá trình đổi mới, phát triển, khu vực KTTT của tỉnh Tiền Giang đã không ngừng phấn đấu vượt qua những khó khăn, từng bước thoát ra khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới. Mặc dù còn những khó khăn, nhưng các tổ hợp tác, HTX đã khẳng định được vai trò, vị trí, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh.

THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Việc ra đời mô hình HTX kiểu mới cùng với sự quyết tâm, tạo mọi điều kiện của tỉnh đã giúp phong trào KTTT, HTX ở tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Hiện toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 231 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm 2020, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Tiền Giang tham quan quy trình sản xuất tại HTX Mỹ Tịnh An. Ảnh: MINH THÀNH
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Tiền Giang tham quan quy trình sản xuất tại HTX Mỹ Tịnh An.

Trong đó, số lượng HTX nông nghiệp chiếm phần lớn với 158 HTX. Những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động như: Thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực; thiếu cơ sở hạ tầng; đầu ra không ổn định… Để tháo gỡ những khó khăn này, các ngành chức năng của tỉnh đã kịp thời “tiếp sức” với nhiều chính sách về vốn, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ liên kết tiêu thụ hàng hóa…

Từ những chính sách kịp thời, thiết thực trên, đã xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản của thành viên. Trong lĩnh vực sản xuất lúa, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các HTX đủ sức liên kết nông dân trồng lúa gắn với liên kết tiêu thụ như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Green Vina, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc, HTX Dịch vụ nông thôn Bình Nhì, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới…

Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên (ảnh chụp tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước).
Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên (ảnh chụp tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước).

Theo thống kê, trong quý I-2021, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp xây dựng hơn 2.200 ha Cánh đồng lớn trong thành viên. Hay trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, các HTX trái cây như: HTX Mỹ Tịnh An, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lương, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Tiên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A… hoạt động khá ổn định.

Với gần 700 ha sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhiều HTX đã ký kết hợp đồng đưa trái cây chủ lực của tỉnh như: Xoài cát Hoà Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa, thanh long, bưởi da xanh, dừa Xiêm… cung cấp cho các công ty, siêu thị, chợ đầu mối.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao…

NÔNG DÂN ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát huy tốt vai trò trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ. Đơn cử trong lĩnh vực cây ăn trái, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, trái thanh long ruột đỏ chỉ có giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái thu mua, các ngành và địa phương phải vào cuộc “giải cứu”.

Một thành viên trồng vú sữa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A.
Một thành viên trồng vú sữa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A.

Tuy nhiên, HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) vẫn thu mua thanh long của thành viên với giá khoảng 20.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và 10.000 đồng/kg thanh long ruột trắng. Điều này có được là nhờ việc liên kết sản xuất trái thanh long theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tú, sau 29 năm thành lập, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã qua 6 lần Đại hội nhiệm kỳ. Từ đó đến nay, phong trào HTX trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc khó khăn tưởng chừng như phong trào không giữ vững được. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp, sự phấn đấu, nhiệt tình của cán bộ, viên chức đơn vị, sự nỗ lực vươn lên của các HTX cùng với nhu cầu hợp tác của người dân, phong trào HTX dần dần được củng cố và phát triển, chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng được nâng lên.

Còn đối với lúa, một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian qua nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình Cánh đồng lớn mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên.

Ông Huỳnh Văn Sang, thành viên HTX Dịch vụ nông thôn Bình Nhì (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) cho biết, nông dân sợ nhất là sản xuất mà không có đầu ra và gặp phải cảnh được mùa mất giá. Khi tham gia vào HTX, “bài toán” đầu ra cho nông sản của ông cũng như bà con trong vùng được giải quyết. Đặc biệt, khi tham gia mô hình Cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân được hưởng lợi rất nhiều. Quy trình sản xuất hiện đại từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Cũng tham gia vào HTX, ông Trần Văn Nhiều, thành viên HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Green Vina (xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) cho biết, tham gia HTX, nông dân được hưởng nhiều lợi ích, cụ thể như giá vật tư nông nghiệp rẻ hơn ngoài thị trường, đầu ra ổn định, giá bán hợp lý. “Khi chưa vào HTX, tới vụ mùa, lúa giống không biết mua ở đâu. Khi tham gia HTX, tôi mua lúa giống có nguồn gốc, mua vật tư nông nghiệp cuối vụ mới trả tiền nên rất lợi” - ông Nhiều cho biết thêm.

TRỌNG ĐẠT

 

.
.
.