Thứ Năm, 08/04/2021, 08:10 (GMT+7)
.

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu

Công nhân Công ty cổ phần dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) sản xuất các loại khăn bông và sợi xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) sản xuất các loại khăn bông và sợi xuất khẩu.

Mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng thiếu công-ten-nơ rỗng hay chi phí vận chuyển tăng cao,… nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý I vẫn ghi nhận kết quả cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Phục hồi mạnh mẽ

Theo đánh giá của Bộ Công thương, quý I ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I ước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; kim ngạch nhập khẩu đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa quý I ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD. Ðóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu những tháng đầu năm là khu vực đầu tư nước ngoài với tỷ trọng kim ngạch lên tới 76,2%. Mặt khác, khu vực kinh tế trong nước cũng tăng trưởng khá ở mức 4,9%, đạt 18,3 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều tăng trưởng tốt. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất 14,08 tỷ USD, tăng 9,3%; tiếp đến là kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ. Ðặc biệt, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã vượt qua dệt may để vươn lên vị trí thứ ba về kim ngạch xuất khẩu, đạt 9,1 tỷ USD và tăng tới 77,2% so quý I-2020.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 20%; sắt thép các loại tăng 65,2%... so cùng kỳ. Riêng xuất khẩu nhóm hàng dệt và may mặc dù chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 1,1% (7,18 tỷ USD), nhưng cũng đã cho thấy dấu hiệu hồi phục.

Các số liệu về xuất khẩu cũng cho thấy doanh nghiệp (DN) đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Kể từ khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng tới 18% trong ba tháng đầu năm 2021. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đạt mức tăng trưởng cao trong quý I như: Ca-na-đa tăng 13,7%, Ô-xtrây-li-a tăng 17%, Chi-lê tăng 25,6%, Mê-hi-cô tăng 12,7%, Niu Di-lân tăng 35,1%,... Hoặc dưới tác động của FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang tạm thời có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang Anh những tháng đầu năm cũng tăng 22,1%.

Ở chiều ngược lại, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cũng cho thấy dấu hiệu khá tích cực khi kim ngạch nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 70,58 tỷ USD, tăng 26,8% so cùng kỳ và chiếm tới 93,7% tổng kim ngạch, trong khi kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 4,73 tỷ USD, chỉ chiếm 6,3%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, khi nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng mạnh có nghĩa sản xuất trong nước đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng

Bộ Công thương đánh giá tình hình xuất khẩu thời gian tới kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như các FTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Nhu cầu toàn cầu cũng được cải thiện khi nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin Covid-19, các chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ của các quốc gia chắc chắn sẽ tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hơn nữa, các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn và những cam kết về tạo thuận lợi, giảm đến mức thấp nhất các rào cản. Do đó, việc tiếp tục tận dụng tốt những lợi thế từ các FTA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặt khác, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng cũng đang có xu hướng tăng so cùng kỳ. Cụ thể, giá hạt tiêu tăng mạnh nhất tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn; giá gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà-phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao-su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn;...

Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, thách thức mà xuất khẩu phải đối mặt khi diễn biến dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều nước đang đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng ngừa. Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn như: Ðức, Pháp hay I-ta-li-a,... tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trước sự lây lan của bệnh dịch.

Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong khi đó, chi phí đầu vào như: logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN. Thực tế, không ít DN đã buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng hạn hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của DN.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài Trung Quốc, một số thị trường khác như Hàn Quốc cũng đã yêu cầu các nhà xuất khẩu từ ngày 1-8-2021 phải có chứng nhận chứng minh sản phẩm thủy sản không nhiễm vi-rút DIV1 hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính,... Hay ở Ô-xtrây-li-a, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang thị trường này phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến, được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất đều phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với vi-rút đốm trắng, đầu vàng,...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA và Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thời gian tới, nâng cao cơ hội cạnh tranh và giá trị của hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Chúng ta cũng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất trong nước hồi phục nhằm tạo đà tốt cho xuất khẩu. Bộ Công thương cũng cho biết sẽ tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; bám sát tình hình của từng thị trường để xác định các chủng loại hàng hóa trong nước có thể đáp ứng, gia tăng cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch. Củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.