Chủ Nhật, 09/05/2021, 07:11 (GMT+7)
.

Chuyển đổi cây trồng thích ứng khô hạn

Các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, sang các loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao để ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH), khô hạn, thiếu nước sản xuất…

Chuyển đổi  vùng chuyên canh lúa sang trồng thanh long. (Ảnh: Văn Vĩnh)
Chuyển đổi vùng chuyên canh lúa sang trồng thanh long. (Ảnh: Văn Vĩnh).

Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Tỉnh Tiền Giang ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 trong hoàn cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sau thiệt hại do đợt hạn, mặn năm 2020 gây ra. Trên cơ sở kinh nghiệm từ việc ứng phó hạn, mặn năm 2016 và năm 2020, tỉnh đã quyết liệt trong triển khai thực hiện cắt vụ lúa thu đông ở các huyện, thị phía Đông để đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Theo đó, toàn vùng đã cắt vụ lúa thu đông được hơn 20.800 ha, chỉ một số ít hộ xuống giống 3 vụ. Việc cắt vụ đã được người dân đồng tình ủng hộ. Đây cũng là yếu tố quyết định dẫn đến việc ứng phó thành công trước hạn, mặn, tránh lặp lại thiệt hại trong 2 đợt hạn mặn lịch sử vừa qua.

Ông Lê Văn Tuấn (huyện Gò Công Tây) cho biết: “Việc cắt vụ lúa thu đông có nhiều cái lợi. Trong khoảng thời gian này, tôi chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày để duy trì thu nhập và cũng để lại dinh dưỡng trong đất cho vụ lúa sau. Trong khi đó, nếu làm lúa 3 vụ sẽ không đủ nước tưới”

Bà Hoàng Lan (huyện Gò Công Tây), chia sẻ: “Canh tác 0,7 ha lúa, đợt hạn, mặn năm trước gây thiệt hại trên 50%. Khi có chủ trương cắt vụ lúa thu đông, tôi đã ủng hộ và xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Dù cắt 1 vụ, nhưng thu nhập không ảnh hưởng nhiều do lợi nhuận vụ lúa thu đông rất thấp. Tuy vụ đông xuân năm nay năng suất lúa giảm so với vụ đông xuân những năm trước, nhưng bù lại bán được giá cao. Do đó, lợi nhuận được ổn định”.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn, trong thời gian tới, mực nước ở đầu nguồn sông Tiền khả năng ở mức thấp. Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL sẽ thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm do các nước ở thượng nguồn trữ nước, khai thác nước. Do đó, khả năng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, thiếu nước ngọt ở tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ rất cao và nghiêm trọng.

Nhờ cắt vụ lúa thu đông nên hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân các huyện, thị phía Đông trong mùa khô năm nay được đảm bảo. Qua kinh nghiệm từ công tác ứng phó hạn, mặn năm nay, đối với vùng phía Đông, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2021 - 2025, toàn vùng sẽ cắt hoàn toàn vụ lúa thu đông, chỉ gieo sạ 2 vụ lúa/năm. Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau màu, cây ăn trái và cây lâu năm khoảng 3.290 ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án với tinh thần chung là giảm diện tích đất lúa gắn với chuyển đổi cây trồng. Việc chuyển đổi cây trồng phải phù hợp với từng vùng và có thị trường tiêu thụ. Do đó, các địa phương nên vận động người dân chuyển đổi cây trồng tập trung, tránh tình trạng manh mún; quá trình chuyển đổi phải gắn với việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, liên kết tiêu thụ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; triển khai liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra cho nông sản, đảm bảo việc chuyển đổi mang tính bền vững…

Chuyển đất lúa sang trồng dưa lưới trong nhà kính.  (Ảnh:  Phước Bình)
Chuyển đất lúa sang trồng dưa lưới trong nhà kính. (Ảnh: Phước Bình).

Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), ÐBSCL là vùng cây ăn trái lớn nhất cả nước với diện tích 377.700ha, bằng 33,3% so với cả nước. Các đối tượng cây trồng chủ lực của vùng: sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh… đang được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung.

Tại vùng ÐBSCL, diện tích cây ăn trái phát triển hằng năm, thích ứng từng địa phương, từng vùng sản xuất và ứng phó khô hạn, BÐKH. Từ năm 2010 đến 2020, diện tích cây ăn trái liên tục tăng, từ 287.300ha năm 2010 đến cuối năm 2020 là 377.700ha, tăng 90.400ha. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ sản xuất cây ăn trái cũng tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa…”.

Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ đông xuân 2020-2021 tại khu vực ÐBSCL ước đạt 27.363ha, trong đó chuyển đổi cây hằng năm là 18.808ha, cây ăn trái là 4.133ha... Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như: bắp, đậu phọng, đậu nành, rau đậu các loại; cây ăn trái như: cam, bưởi, xoài, thanh long, mít… Trong đó, một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao, sử dụng ít nước, phù hợp thời kỳ khô hạn, ứng phó BÐKH.

TP Cần Thơ có diện tích chuyển đổi cây trồng, thích ứng khô hạn là 6.246ha, với các loại cây trồng rau màu và đậu các loại, đạt 42,32% kế hoạch năm, trong đó có 2.882ha diện tích cho thu hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái toàn thành phố 21.623ha, đạt 94,42% kế hoạch năm. Hầu hết, diện tích cây ăn trái phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ, kịp thời và cho thu hoạch với năng suất cao.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: "Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ chỉ đạo kế hoạch xuống giống lúa hè thu, rau màu, cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của từng quận, huyện. Trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng khô hạn, trong điều kiện BÐKH và tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh; mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương cho vườn cây ăn trái, mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ít nước sản xuất trong mùa khô hạn...”.

Trong mùa khô hạn, nông dân trồng cây ăn trái cần chủ động kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tăng cường vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh hại.

Theo Cục Trồng trọt, để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương vùng ÐBSCL cần quan tâm thực hiện một số giải pháp về tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình BÐKH hiện nay.

Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân...

(Theo dangcongsan.vn)


 


 

 

.
.
.