Thứ Bảy, 15/05/2021, 08:20 (GMT+7)
.
Động lực cho người lao động sáng tạo

BÀI 1: Sáng kiến giúp tăng năng suất lao động

Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã được Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai sâu rộng đến đông đảo công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân, lao động, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, thi đua sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động.

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (gọi tắt là Phong trào) đã được các cấp Công đoàn trong tỉnh Tiền Giang triển khai sâu rộng đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của công nhân, lao động (CNLĐ) trên nhiều lĩnh vực. Từ Phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CNLĐ tiêu biểu, với những sáng kiến thiết thực, hiệu quả giúp tăng năng suất lao động.

LUÔN PHẤN ĐẤU TRONG CÔNG VIỆC

Chúng tôi hẹn gặp chị Huỳnh Thị Lan, công nhân bộ phận đóng gói, kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty TNHH Nam Of London (Khu công nghiệp Mỹ Tho) có nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong công việc.

Chị Lan có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả cho bộ phận đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH Nam Of London.
Chị Lan có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả cho bộ phận đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH Nam Of London.

Chị Lan cho biết, quê chị ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Lớn lên, chị làm công nhân ở một công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó lập gia đình, chị về quê chồng ở huyện Tân Phú Đông sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên chị Lan xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Nam Of London đến nay đã hơn 10 năm.

Hiện tại, chị Lan thuê nhà trọ ở TP. Mỹ Tho để tiện việc đi làm, cuối tuần mới về nhà thăm chồng con. “Dù công việc xa gia đình có phần vất vả nhưng được sự quan tâm chăm lo của công ty nên tôi cũng thấy an tâm, phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình” - chị Lan chia sẻ.

Chị Lan không chỉ cần cù trong lao động, mà còn chịu khó tìm tòi nghiên cứu để có nhiều cải tiến trong công việc. Những năm qua, chị Lan đã có 3 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gồm: “Cải tiến cách thức đóng gói sản phẩm”; “Cải tiến cách thức sắp xếp sản phẩm”; “Hướng dẫn thao tác kiểm tra và quy cách gấp xếp nhanh, đẹp cho sản phẩm” đã giúp cho việc đóng gói sản phẩm nhanh và đẹp hơn, giúp tiết tiệm thời gian, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tiết kiệm mỗi năm cho công ty hơn 120 triệu đồng.

Chị Lan cho biết, để có những sáng kiến giúp đóng gói sản phẩm nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí, chị phải mất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm trực tiếp tại xưởng.

“Trong quá trình đóng gói sản phẩm, tôi nhận thấy có thể cải tiến tiết giảm bớt các khâu, giúp công nhân giảm thao tác bất tiện, làm việc an toàn và hiệu suất hơn mà vẫn cho sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Từ đó, tôi mạnh dạn đề xuất và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tổ sản xuất cũng như Ban Giám đốc và Công đoàn cơ sở công ty nên những cải tiến của tôi đã được ứng dụng vào công việc vừa tiết kiệm thời gian, vừa tăng năng suất lao động” - chị Lan chia sẻ.

Từ chế độ đãi ngộ của công ty, cùng với nỗ lực của bản thân, đến nay chị Lan đã có thu nhập ổn định, an tâm gắn bó làm việc cho công ty. Nhờ tích cực trong công việc mà nhiều năm nay, chị Lan được Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nam Of London và Công đoàn các Khu công nghiệp Tiền Giang khen thưởng là công nhân tiêu biểu với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng thực tế trong công việc mang lại hiệu quả.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nam Of London Nguyễn Đại Thạch cho biết, công ty hiện có khoảng 400 CNLĐ. Hằng năm, công ty đều phát động Phong trào, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia từ 20 đến 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty luôn tạo mọi điều kiện để CNLĐ ứng dụng các sáng kiến, cải tiến khả thi vào công việc và chị Lan là một điển hình như thế.

ĐAM MÊ VỚI NGHỀ

Anh Võ Đức Độ (xã Long Hưng,TX. Gò Công) có gần 20 năm làm công nhân tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Gò Công. Thời gian đầu, anh Độ lái xe thu gom rác. Đến năm 2006, công ty thành lập Tổ sửa chữa và anh được đề bạt làm Tổ trưởng cho đến nay.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ sửa chữa, anh Độ luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn, siêng năng tìm tòi học hỏi nên sử dụng được tất cả các xe chuyên dùng của công ty.

Trong quá trình làm việc, anh Độ đã cùng anh em trong Tổ sửa chữa nghiên cứu khắc phục sự cố khi xe, máy móc, thiết bị bị hư hỏng. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, anh Độ đã giúp 21 CNLĐ trong Tổ sửa chữa nâng cao tay nghề đạt danh hiệu “Lao động giỏi” của công ty hằng năm.

Anh Độ có nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong công việc ở Công ty cổ phần Công trình  đô thị Gò Công.
Anh Độ có nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong công việc ở Công ty cổ phần Công trình đô thị Gò Công.

Dù làm công việc gì, anh Độ cũng luôn thể hiện sự đam mê, tận tụy với nghề, luôn biết cách khắc phục khó khăn để tạo ra sáng kiến, góp phần vào sự phát triển bền vững của công ty. Từ năm 2016 đến 2020, anh Độ đã có những giải pháp, sáng tạo mới trong công việc, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty, được Ban Giám đốc công ty đánh giá cao.

Cụ thể, anh Độ đã đề xuất 5 giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật gồm: Phao ngắt tự động chống tràn trên xe bồn tưới nước, Hệ thống quấn dây tưới nước, Sửa chữa xe máy ủi D30, Hệ thống trơi cẩu trồng cây và Miệng thu nước hố ga... Các sáng kiến này của anh Độ đã được Hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm các cấp công nhận và áp dụng làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp công ty tiết kiệm chi phí, ổn định kinh doanh và bảo đảm thiết bị cho công ty.

Anh Độ cho biết: “Công nhân công trình đô thị thường làm việc trong điều kiện tiếp xúc trực tiếp với mùi hôi của rác. Những khi xe hư hỏng nằm dọc đường anh em công nhân càng vất vả. Vì vậy, trong quá trình làm việc, tôi hay mày mò nghiên cứu tính năng từng loại xe để khi xe hư hỏng mà kịp thời khắc phục sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu công việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác hằng ngày...

Qua nghiên cứu, tôi đã có một số sáng tiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào công việc thuận lợi hơn, giảm thời gian, công sức cho CNLĐ, giúp tiết kiệm chi phí cho công ty, được Ban Giám đốc công ty quan tâm, tạo mọi điều kiện cho tôi thể hiện sáng kiến của mình”.

Có thể nói, Phong trào đã thu hút sự tham gia sôi nổi của CNLĐ với nhiều nội dung thiết thực. Từ Phong trào đã tạo động lực cho CNLĐ sáng tạo, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các đề tài sáng kiến, cải tiến áp dụng thành công trong sản xuất và cuộc sống, góp phần tô thắm nét đẹp giai cấp công nhân.

HOÀI THU
(còn tiếp)

.
.
.