Thứ Tư, 05/05/2021, 14:24 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ việc chủ động ứng phó với hạn, mặn năm 2021

Mùa hạn, mặn năm 2021 sắp khép lại với thắng lợi của công tác phòng, chống hạn, mặn khi hoạt động sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đảm bảo. Một giải pháp dài hơi để “sống chung” với hạn, mặn đang được tỉnh triển khai thực hiện dựa trên kinh nghiệm trong những năm qua.

Tiền Giang ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 trong hoàn cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sau thiệt hại do đợt hạn, mặn năm 2020 gây ra.

KHI NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN ĐỒNG LÒNG

Trên cơ sở kinh nghiệm từ việc ứng phó hạn, mặn năm 2016 và năm 2020, tỉnh đã quyết liệt trong triển khai thực hiện cắt vụ lúa thu đông ở các huyện, thị phía Đông để đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Theo đó, toàn vùng đã cắt vụ lúa thu đông được hơn 20.800 ha, chỉ một số ít hộ xuống giống 3 vụ. Việc cắt vụ đã được người dân đồng tình ủng hộ. Đây cũng là yếu tố quyết định dẫn đến việc ứng phó thành công trước hạn, mặn, tránh lặp lại thiệt hại trong 2 đợt hạn mặn lịch sử vừa qua.

Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt phát huy hiệu quả.
Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt phát huy hiệu quả.

Gần 60 năm gắn bó với đồng ruộng, ông Lê Văn Hùng (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) cảm nhận rõ sự thay đổi khí hậu. Trải qua những ngày “chật vật” chắt nước cứu lúa và thiệt hại do 2 đợt hạn, mặn gây ra, năm nay khi được Nhà nước vận động cắt vụ lúa thu đông, ông đã đồng tình hưởng ứng.

“Việc cắt vụ lúa thu đông có nhiều cái lợi. Trong khoảng thời gian này, tôi chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày để duy trì thu nhập và cũng để lại dinh dưỡng trong đất cho vụ lúa sau. Trong khi đó, nếu làm lúa 3 vụ sẽ không đủ nước tưới” - ông Hùng chia sẻ.

Còn theo anh Nguyễn Văn Vàng (ấp Hòa Thạnh, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây), qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, vừa qua gia đình anh và người dân ở xã đã thực hiện cắt vụ lúa thu đông.

Anh Vàng chia sẻ: “Canh tác 0,7 ha lúa, đợt hạn, mặn năm trước gây thiệt hại trên 50%. Khi có chủ trương cắt vụ lúa thu đông, tôi đã ủng hộ và xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Dù cắt 1 vụ, nhưng thu nhập không ảnh hưởng nhiều do lợi nhuận vụ lúa thu đông rất thấp. Tuy vụ đông xuân năm nay năng suất lúa giảm so với vụ đông xuân những năm trước, nhưng bù lại bán được giá cao. Do đó, lợi nhuận được ổn định”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, đến thời điểm này, có thể khẳng định, quyết định ngăn mặn, trữ ngọt thời gian qua đã thành công. Nếu hạn, mặn trong những năm tiếp theo tiếp tục gay gắt, tỉnh sẽ nghiên cứu và có những chỉ đạo ứng phó phù hợp với tình hình thực tế, nhằm mục tiêu cao nhất là chống được hạn, mặn và trữ được nước ngọt phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân.

Đối với các huyện phía Tây, năm nay, nhờ tỉnh chủ động triển khai đắp 8 đập thép ngăn mặn trữ ngọt gồm Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười nên đã bảo vệ được sản xuất trong vùng và nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông.

Việc triển khai các công trình phòng, chống hạn, mặn kịp thời đã củng cố niềm tin nơi người dân, tạo điều kiện để người dân yên tâm khôi phục sản xuất. Những vườn cây đã xanh tốt trở lại, cây trồng đâm chồi nảy lộc là thành quả của sự nỗ lực và đồng lòng của Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống hạn, mặn.

ĐẾN NHỮNG GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Hạn, mặn đã trở thành nỗi lo thường trực đối với tỉnh mỗi khi mùa khô đến. Do đó, chủ động ứng phó hạn, mặn là một trong những công việc trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh thời gian qua.

Theo nhận định của các ngành chuyên môn, trong thời gian tới, mực nước ở đầu nguồn sông Tiền khả năng ở mức thấp. Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm do các nước ở thượng nguồn trữ nước, khai thác nước. Do đó, khả năng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, thiếu nước ngọt ở tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ rất cao và nghiêm trọng.

Nhờ cắt vụ lúa thu đông nên hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân các huyện, thị phía Đông trong mùa khô năm nay được đảm bảo.
Nhờ cắt vụ lúa thu đông nên hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang trong mùa khô năm nay được đảm bảo.

Qua kinh nghiệm từ công tác ứng phó hạn, mặn năm nay, đối với vùng phía Đông, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2021 - 2025, toàn vùng sẽ cắt hoàn toàn vụ lúa thu đông, chỉ gieo sạ 2 vụ lúa/năm. Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau màu, cây ăn trái và cây lâu năm khoảng 3.290 ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án với tinh thần chung là giảm diện tích đất lúa gắn với chuyển đổi cây trồng. Việc chuyển đổi cây trồng phải phù hợp với từng vùng và có thị trường tiêu thụ. Do đó, các địa phương nên vận động người dân chuyển đổi cây trồng tập trung, tránh tình trạng manh mún; quá trình chuyển đổi phải gắn với việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, liên kết tiêu thụ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; triển khai liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra cho nông sản, đảm bảo việc chuyển đổi mang tính bền vững…

Đối với vùng phía Tây của tỉnh, để bảo vệ sản xuất, trên cơ sở thành công từ việc đắp các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt, những năm tới, đây sẽ là một trong những giải pháp tiếp tục được triển khai. Cùng với đó, tỉnh đã đề xuất Trung ương triển khai xây dựng 6 cống, đập ngăn mặn dọc theo đường tỉnh 864 thông ra sông Tiền trên địa bàn các huyện Châu Thành và Cai Lậy gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn.

Ngoài ra, tỉnh còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư xây dựng đập ngăn mặn trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Các công trình này hoàn thành sẽ có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất cho 127 ngàn ha đất nông nghiệp. Đồng thời, cung cấp nước sinh hoạt phục vụ hơn 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An vào mùa khô.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.