Thứ Sáu, 21/05/2021, 10:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phát triển du lịch nông nghiệp - Tại sao không?

Nằm trải dài bên bờ sông Tiền, có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp.

Phát huy lợi thế sông nước miệt vườn, thời gian qua, trên địa bàn Tiền Giang xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

TRẢI NGHIỆM VÀ QUẢNG BÁ

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 16 điểm du lịch nông nghiệp. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp không chỉ mang đến những trải nghiệm mới cho du khách, mà còn tạo thêm đầu ra cho nông sản. Bên cạnh các cách làm truyền thống, loại hình du lịch này còn cho ra đời những mô hình trải nghiệm mới như mô hình Eco-homestay giúp cho du khách trải nghiệm gần nhất với cuộc sống nông thôn, trải nghiệm các hoạt động của làng nghề truyền thống, vùng trồng rau sạch…

Điển hình như Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron (huyện Chợ Gạo), sau khi gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã mở thêm dịch vụ đón khách đến tham quan và trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất socola từ hạt ca cao. Thời gian qua, du khách đến công ty chủ yếu vào 3 ngày cuối tuần, với hơn 100 khách/ngày.

 Khách đến tham quan trải nghiệm tại Nông trại Dê sữa Đông Nghi (xã Tam Hiệp,  huyện Châu Thành) trong năm 2020.
Khách đến tham quan trải nghiệm tại Nông trại Dê sữa Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) trong năm 2020.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn được xem là cách làm hiệu quả để quảng bá nông sản của nông dân. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) Lê Khắc Đông Nghi, được sự gợi ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2020, HTX bắt đầu đón các đoàn khách đến tham quan Nông trại Nuôi dê hơn 200 con của HTX. Khách tham quan được hướng dẫn vắt sữa dê và tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm từ sữa dê như bánh plan, yaourt tươi và sấy khô.

“Mỗi ngày, HTX đón khoảng từ 10 - 20 người khách đến tham quan. Từ hoạt động du lịch, HTX có thêm nguồn thu và có cơ hội giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Qua đó, HTX có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các khách hàng ở ngoài tỉnh Tiền Giang” - bà Đông Nghi cho biết. 

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, vùng ven đô của TP. Mỹ Tho phát triển mạnh các loại hình chuyển đổi từ sản xuất lúa, rau màu sang trồng hoa, bố trí tiểu cảnh phục vụ tham quan du lịch. Đến nay, có trên 10 điểm hoạt động theo mô hình này, quy mô mỗi điểm trên 1 ha, trồng nhiều loại hoa được bố trí rất đa dạng, phối hợp với nhiều tiểu cảnh đẹp mắt… hàng năm thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, tập trung chủ yếu vào dịp tết.

Các địa điểm được du khách đến tham quan như Vườn hoa Mãn Đình Hồng, Vườn hoa Thạch Thảo, Ao sen Gò Me, Điền Lan Thôn Trang... Vào những ngày cao điểm, có vườn hoa thu hút trên 700 lượt khách/ngày. Mô hình này ngày càng được người dân quan tâm đầu tư và có xu hướng phát triển mạnh.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại Vườn hoa Mãn Đình Hồng ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho  (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch Covid-19).
Du khách tham quan, chụp ảnh tại Vườn hoa Mãn Đình Hồng ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch Covid-19).

Cùng với đó, từ lâu nhiều vườn cây ăn trái (nhãn, bưởi, mận, măng cụt…) ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) được người dân, doanh nghiệp khai thác phục vụ du lịch. Theo ước tính, hiện Khu du lịch Thới Sơn có nhiều điểm được nhà vườn phối hợp với Công ty Du lịch tỉnh Tiền Giang đón khách du lịch, với hằng năm đón trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch này rất đa dạng, như thăm vườn và hái trái cây tại vườn, tát mương bắt cá, chèo thuyền, đờn ca tài tử, phục vụ trà mật ong và các món ăn dân dã vùng sông nước; trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương như kẹo dừa, kẹo chuối, trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ...

HƯỚNG ĐI BÀI BẢN HƠN

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp Tiền Giang còn có những hạn chế nhất định như cơ sở hạ tầng xuống cấp, vệ sinh môi trường trong các điểm du lịch nông nghiệp có nơi còn chưa tốt. Mức thu phí tại các điểm tham quan du lịch nông nghiệp còn chưa có sự thống nhất. Một số điểm du lịch nông nghiệp còn phát triển tự phát không theo định hướng của tỉnh làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên…

Để mô hình du lịch nông nghiệp tại Tiền Giang phát triển xứng tầm với lợi thế và tiềm năng, vấn đề đặt ra là cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm; phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, có chính sách đặc thù hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã gắn hoạt sản xuất với du lịch từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ và giống mới; phát triển các sản phẩm mới, phát triển liên kết giữa các đơn vị với nhau, giữa các vùng với nhau nhằm tạo ra mô hình liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, nhà khoa học và các công ty lữ hành kiểu mẫu để phát triển du lịch nông nghiệp một cách bền vững.

Cùng với đó là tăng cường hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp quảng bá xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch nông nghiệp nói riêng và nghiệp vụ kinh doanh du lịch nông nghiệp cho các chủ trang trại, xây dựng một số vườn hoa là nơi sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0 vừa làm điểm đến tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược để phát triển trang trại du lịch nông nghiệp…

MỸ NGỌC

 

.
.
.