Thứ Bảy, 01/05/2021, 09:25 (GMT+7)
.
Tìm lời giải cho bài toán lao động

Bài cuối: Chú trọng đào tạo, đào tạo lại

BÀI 1: Yếu tố "sống còn"

BÀI 2: Gắn chặt thị trường lao động

Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá cho chặng đường sắp tới của Tiền Giang. Để hoàn thành mục tiêu này chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là mục tiêu đang được hướng đến. Thống kê gần đây cho thấy, tổng số công nhân, viên chức, lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang xấp xỉ 150.000 người.

Trong đó, số lượng công nhân, lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trình độ chuyên môn so với trước được nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo đạt khoảng 51%, số còn lại đa phần vẫn là lao động giản đơn. Một số ngành thương mại, dịch vụ, may gia công, chế biến thủy sản, giày thể thao xuất khẩu với số lượng công nhân trẻ gia tăng, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 65%.

Đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động là một trong những nhiệm vụ được đặt ra hiện nay.
Đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động là một trong những nhiệm vụ được đặt ra hiện nay.

Mục tiêu đặt ra của tỉnh đến năm 2025 là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt xấp xỉ 57%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 25%. Số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2021 - 2025 là 80.000 người, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 16.000 lao động.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Tiền Giang và các cơ sở đào tạo triển khai hiệu quả cơ chế chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đồng thời, xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình khởi sự, khởi nghiệp, xúc tiến việc làm cho học sinh, sinh viên…

Đánh giá về chất lượng lao động cũng như đề ra những giải pháp nhằm góp phần thực hiện thành công khâu đột phá về nguồn nhân lực của Tiền Giang trong chặng đường sắp tới, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền (có quyết định  nghỉ hưu chính thức từ ngày 1-5-2021) cho biết:

Việt Nam đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo.

Ở Tiền Giang, số lượng công nhân, lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh có trình độ chuyên môn nghề nghiệp so với trước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%; tuy nhiên, số lao động còn lại đa phần vẫn là lao động phổ thông, làm công việc giản đơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực đã đem lại cơ hội và nhiều thách thức, khó khăn đan xen đối với kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Tuy tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nhìn chung ổn định nhưng cũng có sự tác động không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống cũng như yêu cầu về nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

* Phóng viên: Giải pháp thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực được đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trương Văn Hiền: Một trong những giải pháp quan trọng là chú trọng đào tạo lại thông qua tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn; tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp; có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường thực tế cho sinh viên; xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời; tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng nữa là đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp và người sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động kỹ thuật cao nói riêng, nhất là vấn đề về nhà ở, các phúc lợi xã hội khác; tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất và có chính sách khuyến khích để người lao động phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Chú trọng liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục - đào tạo và các cơ quan, doanh nghiệp nơi sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, cải thiện thông tin về thị trường lao động, trong đó cần có hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia và cơ sở dữ liệu về đầu tư nguồn lực. Thông tin về thị trường cung - cầu nhân lực của các ngành, địa phương. Cung cấp kịp thời các thông tin cho xã hội về đào tạo, nhân lực, việc làm và quy hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia và các địa phương. Tham gia góp ý, xây dựng chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao, nhất là đưa nội dung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ công nhân, lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết đâu là giải pháp để hỗ trợ người lao động và Công đoàn các cấp thực hiện khâu đột phá về nguồn nhân lực của tỉnh?

* Đồng chí Trương Văn Hiền: Tập trung triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của tổ chức Công đoàn đến công nhân, lao động liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vận động công nhân, lao động cần nhìn nhận đây là cơ hội làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể thay thế cho con người để từ đó có kế hoạch, bước đi phù hợp.

Đồng thời, Công đoàn các cấp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về vị trí, vai trò của công nhân, lao động kỹ thuật cao trong nâng cao năng suất lao động; tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Công đoàn cũng sẽ tham gia góp ý, xây dựng chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao; tập hợp lực lượng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước để phát triển đội ngũ công nhân, lao động có tay nghề cao cả về số lượng và chất lượng.

Đồng thời, Công đoàn các cấp sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn trong việc tham gia chính sách khuyến khích, động viên để tạo động lực cho người lao động học tập trong doanh nghiệp.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

T.T (thực hiện)

.
.
.