Thứ Sáu, 18/06/2021, 09:52 (GMT+7)
.

Chương mới cho TX. Gò Công

Một trong những mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung phát triển các đô thị trung tâm, thúc đẩy đô thị hóa, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Theo đó, phát triển đô thị cũng là bước đi quan trọng của TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang trong chặng đường sắp tới, nhất là hướng đến mục tiêu xây dựng TX. Gò Công thành thành phố trực thuộc tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

THỊ XÃ HÔM NAY

Theo đánh giá của lãnh đạo TX. Gò Công, sau nhiều năm thực hiện chủ trương chỉnh trang, mở rộng đô thị, nhất là mạnh dạn đầu tư các dự án, mở rộng hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư đã mở ra diện mạo mới cho thị xã.

Sự thay đổi rõ nét của TX. Gò Công được khơi nguồn từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó TX. Gò Công được xác định là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh.

Với vị thế chiến lược khu vực phía Đông của tỉnh, là cửa ngõ thứ hai của tỉnh tiếp giáp với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TX. Gò Công có tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 50, từ khi có cầu Mỹ Lợi đã mở ra lợi thế cho thị xã với cự ly không xa TP. Hồ Chí Minh, nối liền giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Mỹ Tho đi các tỉnh miền Tây cho thấy vai trò quan trọng của đô thị này trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực phía Đông.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia, Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của Tiền Giang có vị trí rất tiềm năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong tỉnh, mà còn mang tính cấp vùng, trong đó TX. Gò Công đóng vai trò hạt nhân. Đây cũng là lợi thế dưới góc nhìn của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Kim Lang, từng là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá khu vực phía Đông nói chung, TX. Gò Công nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, thời gian qua khu vực phía Đông đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư nhiều dự án sản xuất, kinh doanh.

“Các huyện, thị phía Đông cần quan tâm đầu tư thêm lĩnh vực nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với tham quan, tìm hiểu di tích và đặc biệt là chú trọng vào việc xây dựng cảng biển tại cửa ngõ sông Soài Rạp..., sẽ tạo đà để vùng Gò Công phát triển”- ông Nguyễn Kim Lang đề xuất như thế.

TX. Gò Công tập trung đầu tư hạ tầng đô thị. 				 										           Ảnh: MINH THÀNH
TX. Gò Công tập trung đầu tư hạ tầng đô thị. Ảnh: MINH THÀNH

Nhìn một cách tổng thể, trong thời gian qua, TX. Gò Công đã đạt được những kết quả quan trọng, tiềm lực của thị xã về mọi mặt được nâng lên. Một trong những điểm nhấn quan trọng là các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư kết nối đồng bộ, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, cụ thể như: Cầu Bình Xuân thông xe đưa vào sử dụng đã thông tuyến đường tỉnh 873 tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng các xã bãi ngang thị xã và các xã phía Bắc Quốc lộ 50 huyện Gò Công Tây có điều kiện phát triển về mọi mặt.

Việc hình thành đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 đi các xã Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) đã tạo điều kiện mời gọi, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi (TX. Gò Công), Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, 2 (huyện Gò Công Đông).

Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng các cầu, các tuyến giao thông quan trọng đã tạo điều kiện liên kết giao thông trong vùng; các công trình xây dựng nhà ở đô thị ngày càng hiện đại, các khu dân cư, tuyến dân cư mới được hình thành như: Khu dân cư Trương Định, Dự án Đường và khu dân cư 2 bên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Trọng Dân nối dài, đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch…

THÀNH PHỐ CỦA NGÀY MAI

Dựa trên những tiềm năng và lợi thế hiện hữu, TX. Gò Công đang hướng đến mục tiêu lớn hơn là trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này còn cả một chặng đường dài, song hành với nhiều nỗ lực và quyết tâm.

Đề cập đến mục tiêu này, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho rằng, hướng đến thành phố trực thuộc tỉnh được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TX. Gò Công nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là sự tâm huyết của cán bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong nhiều nhiệm kỳ qua. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, ý kiến này cũng đã được Đoàn Chủ tịch ghi nhận và UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo TX. Gò Công phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng thành phố Gò Công.

Để triển khai thực hiện mục tiêu trên, thị xã cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng thành phố Gò Công và các tổ giúp việc để thực hiện các nội dung có liên quan. Trước tiên, TX. Gò Công sẽ tiến hành làm bảng thuyết minh, rà soát theo các tiêu chí của đô thị loại III, trên hiện trạng tiêu chuẩn để xây dựng thành phố Gò Công trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về lộ trình thực hiện, sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, thị xã sẽ thực hiện các bước tiếp theo.

Theo lãnh đạo TX. Gò Công, để tập trung xây dựng TX. Gò Công trở thành đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, TX. Gò Công còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, TX. Gò Công đề xuất tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch của các huyện trong vùng cho phù hợp phát triển tổng thể của vùng trên cơ sở khảo sát, xác định tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi huyện, thị, mỗi khu vực trong vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của mỗi huyện, từ đó hoạch định việc phát triển kinh tế - xã hội theo từng khu vực, tránh tình trạng nơi nào cũng có khu, cụm công nghiệp, nơi nào cũng phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng lúa…

Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang đậm nét đặc thù của từng huyện, từng khu vực, mà sẽ tránh được việc phân chia nguồn lực đầu tư, tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí, trong khi nguồn lực phục vụ phát triển còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, TX. Gò Công cũng đề xuất tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng của vùng một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước… để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển về chất của kinh tế toàn vùng, mà trước hết là hạ tầng giao thông. Sự hiện đại, đồng bộ về giao thông cùng với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật sẽ góp phần khắc phục tình trạng tự phát, chia cắt về hạ tầng giữa các địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi khơi thông nguồn lực liên kết giữa các huyện, thị trong vùng.

Trong thời gian tới cần có kế hoạch nâng cấp các đường tỉnh cửa ngõ vào thị xã, thảm nhựa các tuyến đường đê đã trở thành đường huyện, xây dựng mới đường tỉnh 877C kết hợp với đường tỉnh 871B kết nối với Khu công nghiệp Gò Công ở phía Đông và kết nối với đô thị Mỹ Tho ở phía Tây; tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống điện, nước phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp, kinh tế biển cho TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho các huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông…

Sự năng động, nhiệt tình trong cải cách hành chính, mời gọi đầu tư, sẵn sàng đón chờ các nhà đầu tư mới của lãnh đạo TX. Gò Công sẽ là tiền đề rất quan trọng cho thị xã đi tiếp chặng đường mới, nhất là hướng đến mục tiêu thành phố Gò Công trực thuộc tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

ANH PHƯƠNG

 

.
.
.