Thứ Sáu, 11/06/2021, 11:36 (GMT+7)
.

Chuyện về một nông dân làm giàu

Đó là nông dân Phạm Văn Chẩn (xã Bình Xuân, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Với mong muốn thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, ông Chẩn đã chịu khó tìm tòi học hỏi, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, ban đầu gia đình ông Chẩn có trên 1,5 ha đất ruộng canh tác 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng lúa, kinh tế gia đình không khấm khá do năng suất lúa thấp, bán không được giá.

Ông Phạm Văn Chẩn đang kiểm tra quá trình ấp trứng vịt.
Ông Phạm Văn Chẩn đang kiểm tra quá trình ấp trứng vịt.

Năm 2014, ông Chẩn xây dựng 2.000 m2 chuồng trại để chăn nuôi vịt đẻ lấy trứng. Sau thời gian đầu nuôi thử nghiệm 200 con vịt đẻ cho hiệu quả cao, ông Chẩn tăng dần số lượng đàn vịt nuôi, ước tính mỗi năm nuôi khoảng 700 con vịt đẻ. Bên cạnh nuôi vịt đẻ, ông Chẩn còn được người quen giới thiệu mô hình nuôi dê cao sản. Nắm bắt cơ hội, ông mày mò cách chăm sóc dê qua sách, báo, rồi tham quan nhiều mô hình nuôi dê đạt hiệu quả. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2018, ông Chẩn quyết định vay 50 triệu đồng từ ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dê. Chỉ sau 1 năm nuôi, đàn dê của ông Chẩn tăng từ 50 con lên khoảng 300 con.

Ông Chẩn cho biết: “Nuôi dê là cơ hội cải thiện thu nhập rất nhanh, do dễ chăm sóc, nguồn thức ăn đa dạng, khả năng kháng bệnh của dê cao, cơ hội phát triển đàn rất nhanh và giá cả ổn định hơn các loại gia súc khác. Cùng với đó, tôi tận dụng phân dê để bón cho cây trồng hoặc bán để kiếm thêm thu nhập”. Ông Chẩn còn dành gần 1.000 m2 đất ruộng để trồng cỏ làm thức ăn cho dê, tiết kiệm tiền mua thức ăn, giúp tăng thêm lợi nhuận cho gia đình.

Không dừng lại ở đó, với tính cần cù, chịu khó, siêng năng trong lao động, năm 2019, ông Chẩn quyết định làm đầu mối chuyên ấp nở trứng gia cầm và cung cấp con giống tại xã Bình Xuân. Ông đã đầu tư trang thiết bị, lò ấp trứng với công suất ấp khoảng 5.000 trứng/lần.

Nhờ mở lò ấp trứng mà đầu ra từ mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng trở nên đa dạng. Sau nhiều năm sản xuất, chăn nuôi, với 1,4 ha đất ruộng canh tác lúa mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Chẩn thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Còn với quy mô nuôi khoảng 700 con vịt đẻ/ năm kết hợp với mô hình ấp trứng, sau khi trừ chi phí, ông Chẩn thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Đồng thời, mô hình nuôi dê của gia đình ông Chẩn mỗi năm xuất chuồng khoảng 200 con dê, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Chẩn còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Xuân. Phát huy vai trò Chủ tịch Hội, ông Chẩn luôn tích cực tham gia các phong trào, thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp và các hoạt động do chính quyền địa phương phát động.

Đồng thời, ông tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất cho nhiều người có nhu cầu để phát triển sản xuất và giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, ông Phạm Văn Chẩn đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

LÊ MINH

.
.
.