Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài 1 - Những tín hiệu tích cực
Dù những năm qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã có sự chuyển hướng tích cực bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hình thành các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, song việc liên kết dường như vẫn còn thiếu và chưa bền vững.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đã hình thành, giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Quan trọng hơn hết, điều này đã dần thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển hướng tích cực. Theo đó, ở tỉnh đã hình thành nhiều tổ chức nông dân đủ mạnh để tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, gắn với thị trường tiêu thụ.
NHIỀU MÔ HÌNH LIÊN KẾT
Việc hình thành và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở trong và ngoài nước đang được tỉnh quan tâm thực hiện. Một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả cao trên lúa, cây ăn trái, rau an toàn... gắn hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với các mô hình liên kết chuỗi giá trị bước đầu đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình liên kết sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Chính yếu tố này đã góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân.
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HTX Phú Quới (huyện Gò Công Tây) vẫn hoạt động ổn định. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm, tiêu thụ chậm khiến nông dân nhiều phen khốn đốn. Dù khó khăn là vậy, nhưng HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) vẫn thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm thanh long cho thành viên, trong đó 80% sản lượng xuất khẩu đi nước ngoài. Có được đầu ra ổn định như vậy là do HTX đã liên kết xuất khẩu đi Trung Quốc, các nước châu Âu…
Điều này giúp HTX ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp thành viên yên tâm sản xuất. HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu thanh long ruột đỏ và ruột trắng với tổng diện tích khoảng 100 ha, sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, hoặc GlobalGAP. Khi giá thanh long trên thị trường giảm, HTX vẫn thu mua theo giá đã ký hợp đồng với thành viên và khi giá thị trường tăng thì thu mua theo giá thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa cho nông dân.
Không chỉ đối với sản xuất cây ăn trái, mô hình liên kết sản xuất rau màu cũng mang lại hiệu ứng tích cực, nhất là đối với chuỗi liên kết của các HTX. Chẳng hạn, HTX Rau an toàn Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông), sau quá trình nỗ lực xây dựng thương hiệu, HTX đã xây dựng được liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn bền vững. Hiện HTX đang cung ứng cho các đối tác như: Co.opmart, Bách Hóa Xanh, một số bếp ăn của doanh nghiệp…
Ông Trần Văn Bương, Giám đốc HTX Rau an toàn Tân Đông cho biết, vừa qua, HTX được hỗ trợ đầu tư trụ sở làm việc, nhà sơ chế đủ điều kiện và được một số đối tác ở bên Nhật Bản đến để ký hợp đồng thu mua các loại rau ăn lá, củ sả. Trung bình 1 tuần, HTX xuất khẩu được 2 đợt với khoảng 2 tấn rau các loại. Rau xuất khẩu có giá trị cao hơn so với bán ở thị trường nội địa nên thành viên rất hăng hái tham gia HTX để sản xuất những loại rau xuất khẩu. “Giá rau xuất khẩu cao hơn 30% - 40% so với bán ở thị trường nội địa. Trước mắt, HTX sẽ vận động thành viên trồng những chủng loại rau này và chất lượng phải càng được nâng cao hơn” - ông Bương cho biết thêm.
Thực tiễn cũng cho thấy, liên kết sản xuất là bước đi bền vững cho cả đơn vị kinh doanh và người cung ứng hàng hóa nhờ hiệu quả mang lại. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất được ra đời. Nhìn một cách tổng thể, theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 93 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình, diện tích trên 13.000 ha, sản lượng 121.800 tấn, giá trị trên 607 tỷ đồng; lĩnh vực chăn nuôi hình thành 10 mô hình, quy mô 1,2 triệu con, giá trị trên 37 tỷ đồng; lĩnh vực thủy sản có 3 mô hình, diện tích trên 282 ha, sản lượng 4.100 tấn…
THAY ĐỔI TƯ DUY
Có thể nói, trước tác động của cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị tác động lớn. Do đó, thay đổi để thích ứng là một trong những yếu tố quan trọng để hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Một điều dễ nhận thấy là tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân đã dần thay đổi.
Hoạt động tại HTX Rau an toàn Gò Công. Ảnh: LẬP ĐỨC |
Khoảng 25 năm trước, ông Lê Văn Thủy (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long. Tuy nhiên, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn và thất bại nên ông đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác rồi tiếp tục quay lại trồng thanh long. Năm 2013, ông tham gia vào Tổ hợp tác Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Mỹ Tịnh An, nhưng đầu ra thanh long cũng gặp khó. Sau khi bàn bạc và thống nhất, năm 2014 ông cùng một số thành viên trong tổ hợp tác xin thành lập HTX Mỹ Tịnh An sản xuất thanh long sạch.
Đến năm 2015, thanh long của HTX được chứng nhận GlobalGAP, tạo bước đệm và điều kiện để HTX đưa thanh long xuất khẩu đi các nước. Ông Thủy chia sẻ, nhờ sản xuất theo quy trình GlobalGAP, thanh long của gia đình được HTX bao tiêu đầu ra, giá bán luôn cao hơn giá thị trường, không còn bấp bênh nên thu nhập mang lại khá cao.
Còn đối với ông Trần Văn Nheo (ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây), giờ đây không còn cảnh phải nhổ bỏ những luống rau xanh tốt. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng rau 3,5 công của gia đình, ông Nheo cho biết, cách đây hơn 3 năm, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới được thành lập ở xã nên ông đã tự nguyện tham gia. Từ khi tham gia HTX, ông chuyển sang sản xuất theo chuẩn VietGAP, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tiên tiến. “Tham gia HTX, giữa nông dân và HTX ký hợp đồng theo từng giai đoạn. Nhờ tham gia HTX mà giá cả, đầu ra ổn định, còn nếu làm riêng lẻ hoài sẽ rơi vào điệp khúc được mùa, mất giá” - ông Nheo chia sẻ thêm.
Tất nhiên, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là cả một quá trình và cần nhiều thời gian. Nhưng với những gì mà các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp đã và đang mang lại sẽ là nhân tố tích cực góp phần hình thành tư duy khác hơn, tươi mới và hiệu quả hơn cho nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 - 2019, Tiền Giang triển khai thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn. Theo đó, trên cây lúa có 39.849 ha của các HTX, tổ hợp tác tham gia liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn. Trong chăn nuôi cũng đã hình thành các mô hình liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Emivest; chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các điểm thu mua sữa của Công ty Vinamilk; liên kết sản xuất theo chuỗi giữa HTX với các doanh nghiệp chăn nuôi: HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công, HTX Tấn Lực. Trên cây ăn trái cũng đã hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: Thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Phước, sơ ri Gò Công. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng 4 dự án chuỗi giá trị trên rau, gà, thanh long, xoài. Qua liên kết góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ cuối năm 2019 đến nay, triển khai thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ, Tiền Giang có Nghị quyết 07/2019 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh có 8 dự án liên kết tiêu thụ đang thực hiện và 48 dự án, kế hoạch liên kết đang xây dựng. |
ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT
(Còn tiếp)