Thứ Năm, 10/06/2021, 07:05 (GMT+7)
.

Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài 2 - Vẫn còn mạnh ai nấy làm

Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài 1 - Những tín hiệu tích cực

Dù nhiều hợp tác xã (HTX) đóng vai trò trung tâm trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được thành lập, nhưng việc liên kết chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm.

Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thành lập cho thấy phong trào kinh tế tập thể có bước phát triển mới về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, nhiều HTX nông nghiệp vẫn còn loay hoay với khó khăn nội tại, chưa tạo được liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.

LIÊN KẾT VỪA THIẾU VỪA YẾU

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những mô hình liên kết hiệu quả, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất còn thấp so với mặt bằng sản xuất chung. Mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là thu nhập và đảm bảo đầu ra cho nông dân vẫn còn khá bấp bênh.

Anh Trần Huỳnh Khiêm chăm sóc vườn mít Thái 1 năm tuổi của gia đình.
Anh Trần Huỳnh Khiêm chăm sóc vườn mít Thái 1 năm tuổi của gia đình.

Trong câu chuyện liên kết sản xuất, tiêu thụ, HTX chính là trung tâm, nhưng năng lực quản trị của một số HTX còn yếu. Mặt khác, việc liên kết với các doanh nghiệp chưa thật sự bền vững dẫn đến đầu ra của nông sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Được thành lập đến nay hơn 1 năm, HTX Cây sả Tân Phú Đông (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) hiện có 22 thành viên. Tuy nhiên, cũng như nhiều HTX nông nghiệp khác, HTX đang phải đối mặt với “bài toán” đầu ra. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Cây sả Tân Phú Đông cho biết: “Từ đầu năm đến nay, có một số doanh nghiệp ở các tỉnh gọi đến hỏi giá, nhưng rồi cũng “biệt tăm”. Hiện tại, HTX chưa có ký hợp đồng liên kết với đối tác lâu dài nào, người ta đến mua thì mình bán nên chưa có đầu ra ổn định”.

Nhiều HTX khác cũng có nét tương đồng. Trước đây, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (huyện Tân Phước) chuyên canh cây khóm với khoảng 300 ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, diện tích trồng khóm dần thu hẹp, chỉ còn khoảng 100 ha. Theo ông Bùi Công Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, hiện HTX đang gặp một số khó khăn như: Thiếu vốn, không liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ khóm… Do khó khăn về đầu ra, giá khóm những năm trước nằm ở mức thấp nên nhiều thành viên của HTX đã chuyển từ trồng khóm sang các loại cây trồng khác.

Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 235 HTX, nhưng chỉ có khoảng 50% HTX thực hiện việc ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên. Khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ nông sản là nhiều HTX chưa chủ động tìm đối tác; phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhất là chưa có chứng nhận tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài ra, ở một số địa phương, người dân chưa tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của HTX, nhất là các HTX mới thành lập. Bên cạnh đó, một số HTX có tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp cũng chỉ ở mức độ, quy mô hạn chế do sản xuất nông nghiệp còn manh mún... Đây là một trong các nguyên nhân khiến khâu tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập với tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng khoảng
40% - 50%. “Tuần rồi, chúng tôi đi 6 HTX thì tất cả đều gặp khó khăn về đầu ra. Sau một thời gian ra mắt xã NTM, trong số các HTX được thành lập từ năm 2016 đến năm 2020, số HTX hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp” - lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm.

CHUYỂN ĐỔI THIẾU BỀN VỮNG

Thời gian qua, phong trào chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái phía Bắc Quốc lộ 1 ở các huyện, thị phía Tây diễn ra rầm rộ. Hàng ngàn ha lúa đã dần bao phủ bởi màu xanh của cây ăn trái như: Sầu riêng, mít Thái… Đặc biệt, mít Thái phát triển mạnh nhất do giá trị kinh tế mang lại bước đầu. Có mặt tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, chúng tôi ghi nhận tình trạng đan xen giữa những ruộng lúa và vườn cây ăn trái.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 toàn tỉnh đã chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa 13.703 ha (trong đó, luân canh cây hàng năm trên đất trồng lúa 10.747 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm 2.739 ha và chuyển sang nuôi trồng thủy sản 217 ha). Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác tự phát, không theo quy hoạch đã dần được hạn chế. Tỷ lệ diện tích chuyển đổi tự phát năm 2020 hơn 18%, giảm gần 5% so với năm 2019.

Qua điều tra, đánh giá cho thấy, hiệu quả kinh tế của các loại cây ăn trái, rau màu được chuyển đổi khá cao so với trồng lúa như sầu riêng, bưởi da xanh cao gấp 11 - 12 lần; mít, xoài gấp 9 - 10 lần; rau gấp 4 - 5 lần... Chính hiệu quả kinh tế cao đã thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát ở nhiều nơi, nhất là ở các huyện phía Tây, dẫn đến nhiều rủi ro.

Đang cặm cụi chăm sóc 1 công mít Thái vừa trồng cách nay 1 năm, anh Trần Huỳnh Khiêm (phường Nhị Mỹ, TX. Cai Lậy) cho biết, tuyến đường đi ngang ruộng nhà ông được đầu tư mới nên trồng lúa không còn phù hợp nữa. Do đó, anh cùng anh em trong gia đình đã chuyển sang trồng mít Thái.

“Nếu chuyển sang trồng sầu riêng thì vốn nhiều quá. Còn trồng mít Thái vốn ít, thời gian thu hoạch sớm, có lúc giá lên đến 50 - 60 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá mít Thái lên xuống thất thường nên tôi cũng cảm thấy lo. Tuy nhiên, giờ không trồng mít Thái, tôi cũng không biết trồng cây gì” - anh Khiêm băn khoăn.

Còn tại xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy), phong trào chuyển đổi cây trồng cũng đang phát triển mạnh. Ông Trần Văn Hạnh (xã Phú Nhuận) cho biết, 3 năm trước, 2 công đất lúa được ông chuyển sang trồng mít Thái. Đến nay, ông đã bán được 4 đợt, có đợt giá cao, đợt giá thấp. “Đợt trước mít bán giá tốt lắm. Tuy nhiên, tuần rồi tôi mới thu hoạch được khoảng 30 trái mít bán với giá 13.000 đồng/kg loại 1, hàng dạt có giá 4.000 đồng, loại tệ nhất chỉ có 2.000 đồng. Tính ra gần 300 kg mít của tôi chỉ bán được hơn 2 triệu đồng” - ông Hạnh bày tỏ.

Vùng phía Tây của tỉnh là vậy, còn vùng phía Đông cũng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, diện tích cây ăn trái cũng đang phát triển mạnh, đặc biệt là cây thanh long. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) Trần Ngọc Vương, thời gian qua, người dân trên địa bàn đã đẩy mạnh chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây thanh long. Hiện toàn xã có gần 600 ha thanh long. Dù thanh long có giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa, nhưng hiện địa phương chỉ liên kết được đầu vào với doanh nghiệp, còn đầu ra chưa giải quyết được.

Nông dân vẫn còn tình trạng thỏa thuận mua bán với thương lái. Cũng cùng trăn trở với nhiều nông dân các huyện phía Đông, anh Lê Quốc Phong (ấp Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, hạn, mặn đến sớm, thiếu nước sản xuất. Nông dân rất muốn chuyển đổi, nhưng cần định hướng chuyển đổi trồng cây gì cho phù hợp.

Theo đánh giá của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi cây trồng khoảng 1.800 ha. Riêng trong năm 2020, diện tích chuyển đổi cây trồng gần 370 ha, trong đó chuyển sang trồng màu chuyên canh khoảng 320 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái gần 50 ha. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Gò Công Đông định hướng tiếp tục chuyển đổi gần 2.000 ha đất lúa sang rau màu và cây lâu năm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng của việc chuyển đổi nằm ở khâu đầu ra, giải quyết được “bài toán” này mới đảm bảo tính bền vững.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT
(Còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.