Thứ Tư, 09/06/2021, 10:01 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Kết nối tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại trái cây chủ lực trên địa bàn Tiền Giang đang ở mức giá thấp, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đây không còn là câu chuyện mới của ngành Nông nghiệp và cần có chiến lược dài hơi để mang lại yếu tố bền vững cho nông dân.

NHIỀU LOẠI TRÁI CÂY GIẢM GIÁ

Thời điểm này đang là mùa thuận của trái thanh long nên sản lượng cung cấp ra thị trường khá lớn. Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo), hiện thanh long ruột đỏ đang được các thương lái thu mua với giá khoảng 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng nắm chắc phần lỗ dù đang là mùa thuận, chi phí không nhiều.

Việc tiêu thụ thanh long đang rất khó do chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, song thị trường này hiện đang vào mùa thanh long. Mặt khác, việc vận chuyển, chế biến nông sản cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước.

Điểm bán nông sản hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm tại huyện Tân Phước.
Điểm bán nông sản hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm tại huyện Tân Phước.

Không riêng gì trái thanh long, hiện giá mít Thái cũng đang ở mức rất thấp. Sau thời gian phát triển “nóng” tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 của các huyện phía Tây, thời điểm này, cây mít Thái đang chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Hiện mít Thái loại 1 được thương lái thu mua với giá khoảng 10.000 đồng/kg, mít loại kem khoảng 2.000 đồng/kg và hàng dạt từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tỷ lệ mít loại 1 đang chiếm tỷ lệ rất thấp, đa phần là mít kem, hàng dạt. Sau một số thời điểm giá mít Thái ở mức cao ngất ngưỡng (50.000 - 60.000 đồng/kg), hiện nhiều người trồng mít đang “vỡ mộng” với cây trồng này. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra của trái mít Thái tiếp tục gặp khó trong tiêu thụ.

Tại huyện Tân Phước, những năm qua, cây ăn trái phát triển mạnh trên vùng “rốn phèn” này với các loại như: Thanh long, khóm, mít… Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mít, thanh long, khóm… trên địa bàn đang ở mức thấp, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Một số nơi, trái chín đến lứa thu hoạch, nhưng không có thương lái thu mua, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của người dân.

Theo anh Na, thương lái chuyên thu mua khóm tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, hiện khóm loại 1 đang có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, khóm dạt từ 500 - 1.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4 lần so với năm 2020. Với mức giá này, nông dân chắc chắn bị lỗ. Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khóm cũng đang gặp khó trong tiêu thụ.

“Do dịch bệnh nên vận chuyển khóm đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác rất khó. Chưa kể, việc tiêu thụ trong các bếp ăn của doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Hiện nay, thương lái đa phần đưa về các chợ ở nông thôn để bán” - anh Na cho biết thêm.

Để chia sẻ khó khăn với nông dân trên địa bàn huyện, ngày 7-6, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức Chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, điểm bán nông sản được đặt tại vòng xoay Tân Phước (khu 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước).

Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước, điểm bán nông sản được mở ra với mục đích tạo địa điểm để nông dân đưa nông sản ra bán, tạo sự kết nối với thương lái và người tiêu dùng. Dự kiến, những ngày tới, huyện sẽ mở thêm điểm bán nông sản tại Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước).

CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Thật ra, câu chuyện chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trọng điểm là trái cây, đã diễn ra rất nhiều lần, đặc biệt trong những giai đoạn dịch bệnh, ùn ứ thị trường. Gần đây nhất là Chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX tiêu thụ trái cây” do Sở Công thương phối hợp tổ chức khi dịch Covid-19 diễn ra vào đầu năm 2020.

Tất nhiên, đây là chương trình mang tính chất tạm thời, chưa thật sự mang tính bền vững cho chặng đường sắp tới cho sản phẩm nông nghiệp. Bởi theo đánh giá của Sở Công thương, chiến lược dài hơi trong tiêu thụ nông sản nói chung, trái cây của Tiền Giang nói riêng, cần tập trung vào nhiều yếu tố khác.

Trước mắt là cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ trái cây theo chuỗi bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá ngành trái cây của tỉnh trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời, khuyến khích, thu hút mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, các dự án lớn như: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất trái cây, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đầu tư kho lạnh để bảo quản trái cây; phát triển công nghiệp chế biến trái cây gắn với vùng trồng.

Nhìn từ phía cạnh khác, tỉnh cũng sẽ có nhiều chủ trương, chính sách phát triển bền vững ngành trái cây của tỉnh như: Đầu tư hạ tầng kết nối giao thông đồng bộ giúp thuận tiện trong giao thông, giảm giá thành vận chuyển, thu hút các dự án lớn trong chế biến trái cây để giải quyết bài toán có tính mùa vụ, tận dụng chế biến các loại trái cây loại 2, loại 3 sau khi sàng lọc không đạt chuẩn bán ra thị trường, có cơ chế khuyến khích đầu tư khâu bảo quản sau thu hoạch.

Riêng về phía người sản xuất cũng cần làm theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc, nhằm giữ uy tín sản phẩm khi bán ra thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, an tâm tiêu dùng và liên kết chặt chẽ với HTX, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, HTX cần nghiên cứu theo dõi sát nhu cầu thị trường, tích cực hoạt động xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một loại thị trường, tìm đối tác ký hợp đồng chính ngạch đây là việc cần làm có tính lâu dài, bền vững; đồng thời, có định hướng cho người dân vùng trồng về chất lượng trái cây, rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc gây giảm giá do “cung vượt cầu”…

Chủ động ổn định thị trường

Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 4-6 nhằm hướng đến mục tiêu ổn định thị trường theo từng tình huống cụ thể.

Chẳng hạn, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm Covid -19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh thì doanh nghiệp, HTX thương mại, dịch vụ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối; chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử.

Riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo sẽ thực hiện việc mua lúa, gạo trực tiếp từ người sản xuất và mua thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo ký với người sản xuất; thực hiện đúng trách nhiệm về dự trữ lưu thông, thu mua lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107 ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) sẽ tăng cường nguồn hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng, có phương án tăng cường lượng hàng hóa dự trữ phòng, chống dịch; dự báo nhu cầu tiêu dùng, chủ động làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu như: Gạo, thịt, dầu ăn, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… phục vụ nhu cầu người dân; tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến mại để người tiêu dùng yên tâm và cảm nhận giá cả hàng hóa còn tốt hơn ngày thường, thực hiện bình ổn giá, không để thiếu hàng, sốt giá; chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ…, đặc biệt vào các ngày cuối tuần; đẩy mạnh phát triển kênh phân phối thương mại điện tử và kéo dài thời gian mở cửa, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân…

A.P - M. THÀNH

.
.
.