Thứ Tư, 18/08/2021, 10:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực "khơi thông" tiêu thụ trái cây

Những vườn cây ăn trái chờ thu hoạch còn khá lớn, trong khi giá bán giảm sâu cùng với nhiều yếu tố khó khăn khác đang tạo nên áp lực lớn đối với nông dân.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khả năng tồn đọng nông sản, nhất là đối với trái cây, có thể xảy ra nếu như đầu ra không được khai thông một cách triệt để.

CHỜ THU HOẠCH

Ghi nhận từ vườn cây ăn trái đặc sản trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho thấy, thời điểm này sản lượng sầu riêng đến kỳ thu hoạch không nhiều, chủ yếu cây đang ra hoa, nhưng giá bán vẫn không cao, chỉ dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, đối với loại Ri 6 và Mongthon. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên) cho biết, trong thời điểm này, vườn nào có thu hoạch thì phải tự vận chuyển qua các chốt kiểm soát đến thương lái và cơ sở thu mua.

“Hiện tại, gia đình có 5 công sầu riêng khoảng 3,5 tháng nữa mới thu hoạch. Tôi hy vọng đến khi đó không còn chốt chặn, đi lại dễ dàng, giá cả khá hơn so với bây giờ, chứ tình hình này kéo dài thì khó lắm”- anh Nghĩa chia sẻ.

Nhiều loại trái cây khác cũng chung tình cảnh này. Đợt thu hoạch nhãn xuồng vừa kết thúc, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đang chuẩn bị vào mùa chôm chôm. Nhờ đầu mùa nên giá thu mua tại vườn tương đối cao, chôm chôm thường khoảng 6.000 đồng/kg, còn chôm chôm nhãn dao động 18.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ từ 5% - 10%.

Chủ tịch UBND xã Tân Phong Nguyễn Văn Mười cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 209 ha chôm chôm bắt đầu thu hoạch nhưng thương lái đến địa phương thu mua trong thời gian qua giảm đáng kể, tương tự như vụ mùa nhãn xuồng vừa rồi. Người dân tự thu hoạch hoặc vận chuyển qua phà mới tìm nơi thu mua. Có thể nói, bài toán khó được địa phương đặt ra là làm thế nào để kích cầu tiêu thụ trong thời gian tới.

Các ngành chức năng đang nỗ lực tìm hướng tiêu thụ cho nông sản.
Các ngành chức năng đang nỗ lực tìm hướng tiêu thụ cho nông sản.

Thời gian qua, mặc dù các cơ sở thu mua mít với giá khá cao, dao động từ 18.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại, nhưng thương lái hiện nay khá ít hoặc không đi thu mua bởi việc tiếp cận, thu mua tại nhà vườn thời điểm này không phải dễ.

Anh Nguyễn Thành Trung, đại diện cơ sở thu mua Song Toàn Phát Lương cho biết, địa phương cũng tạo điều kiện nhưng mỗi nơi mỗi khác nên thương lái, bạn hàng, người dân đi lại giữa mùa dịch không phải dễ và tốn rất nhiều chi phí.

Trước đây, cơ sở trung bình thu mua từ 40 - 50 tấn hàng/ngày từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh, kể cả tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An. Tuy nhiên, thời điểm này, cơ sở chỉ còn thu mua khoảng 5 - 6 tấn và trong 3 ngày mới xuất container đi thị trường xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Cai Lậy từ nay đến cuối tháng 8 có khoảng 950 ha vườn cây ăn trái đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, chẳng hạn: Chôm chôm 625 tấn/25 ha, mít 65 tấn/900 ha, sầu riêng 320 tấn/14 ha trên tổng diện tích 15.635 ha.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình nhận định, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thời điểm này là giá các mặt hàng nông sản rất dễ biến động. Nguyên nhân một phần là do thương lái ít do việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản khó khăn và phát sinh thêm nhiều chi phí khác; thị trường tiêu thụ bị giới hạn; chi phí tăng nhưng vận chuyển chậm; thiếu công lao động và hạn chế trong việc lựa chọn phương tiện vận chuyển nông sản.

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương cần chủ động trước các vụ mùa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở, thương lái thu mua nông sản nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, địa phương chủ động triển khai các kế hoạch cùng Sở Công thương trong việc hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

LƯỢNG TIÊU THỤ GIẢM

Tình hình tiêu thụ nhiều loại nông sản trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng tương tự như thế. Chẳng hạn, trái chanh hiện tại gặp nhiều khó khăn. Huyện Cái Bè hiện có 2.118 ha trồng chanh, diện tích cho thu hoạch hiện tại ước khoảng 30 ha, với sản lượng khoảng 750 tấn. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá chanh được thương lái thu mua với giá rất thấp, chỉ khoảng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg khiến cho tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Cái Bè chỉ còn 12 vựa thu mua (khi không có dịch có trên 20 vựa) tiêu thụ các loại trái cây, trong đó có chanh, với sản lượng thu mua khoảng 12 tấn/ngày, chỉ bằng một nửa so với sản lượng thu hoạch của người dân.

Ông Nguyễn Văn Nhiều, chủ vựa trái cây Nhiều (xã Mỹ Đức Đông) cho biết, hiện tại mỗi ngày vựa chỉ tiêu thụ được 1 tấn chanh từ nông dân, giảm hơn 50% so với khi chưa có dịch. Đầu ra của trái chanh hiện đang rất khó do các chợ đầu mối tiêu thụ trước đây đa phần đều đã tạm nghỉ do dịch.

Còn theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cái Bè, việc tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên sản lượng chanh bị ùn ứ không thể tiêu thụ rất nhiều. Nhiều nông dân phải hái trái tặng, cho để tránh bị suy cây. Để hỗ trợ nông dân, Phòng đã phối hợp với Sở Công thương và các đoàn thể trên địa bàn huyện hỗ trợ các đầu mối tiêu thụ cho nông dân trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đánh giá chung của Sở NN-PTNT cho thấy, từ ngày 31-7 đến 8-8, sản lượng thu hoạch trái cây toàn tỉnh khoảng 34.800 tấn, trong đó có 80 tấn thanh long tiêu thụ chậm. Con số thống kê lũy kế từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến nay, toàn tỉnh có khoảng 106.895 tấn trái cây đã cho thu hoạch (ổi 25.841 tấn, mít 28.802 tấn, chanh 18.030 tấn, khóm 13.193 tấn, bưởi  6.779 tấn, thanh long 6.197 tấn, sầu riêng 2.372 tấn...).

Còn nếu tính từ ngày 12-7 đến 8-8, toàn tỉnh có 199 tấn thanh long, 5 tấn nhãn xuồng và 0,5 tấn mãng cầu Xiêm gặp khó khăn trong tiêu thụ (tiêu thụ được nhưng rất chậm). Trên thanh long, chanh và khóm, thương lái thu mua ít và chủ yếu thu mua theo hợp đồng. Riêng mít, tình hình tiêu thụ khá tốt do rào cản trong vận chuyển đã được tháo gỡ.

Nhận định chung cho thấy, những ngày gần đây, giá bán thanh long vẫn rất thấp, giá thanh long ruột đỏ chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, giá mãng cầu Xiêm giảm 2.000 đồng/kg (hiện chỉ 4.000 - 6.000 đồng/kg), giá sầu riêng giảm 10.000 đồng/kg, riêng giá mít tăng 6.000 đồng/kg.

So với trước khi thực hiện Chỉ thị 16, giá thanh long, khóm giảm mạnh từ 4.000 - 12.000 đồng/kg; trong khi đó giá mít, ổi, sa pô tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Sở NN-PTNT cũng cho biết thêm, sản lượng thu hoạch trái cây từ ngày 10 đến 14-8 dao động từ 17.000 - 18.000 tấn.

Nhìn chung, việc lưu thông vận chuyển hàng hóa đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, thương lái thu mua ít, đầu ra sản phẩm của thương lái rất hạn chế và nhân công hạn chế đi làm do phòng, chống dịch bệnh nên việc thu hoạch và thu mua trên khóm, dừa, thanh long, chanh và một số nông sản khác có phần khó khăn.

Hiện nay, Sở Công thương, Sở NN-PTNT cùng với các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp để khơi thông tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là đối với trái cây trên địa bàn tỉnh.

A.P - T.L - C.T

.
.
.