Thứ Năm, 16/09/2021, 09:39 (GMT+7)
.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2: Mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19

Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, đến nay, tiến độ Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (gọi tắt là Dự án) đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Dự án là một mô hình hiệu quả ở tỉnh.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50 MW, cung cấp khoảng 153,4 triệu kWh/năm. Địa điểm xây dựng các trụ Turbin gió tại khu vực biển thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 10,25 ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.241 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG DỊCH

Cùng với Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1, mục tiêu của Dự án là xây dựng và quản lý nhà máy sử dụng năng lượng gió để phát điện, hòa với lưới điện quốc gia; cung cấp nguồn điện bổ sung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

 Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi kỹ sư, công nhân thi công trên biển làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi kỹ sư, công nhân thi công trên biển làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

Ông Hà Quốc Kiệt, Giám đốc Dự án cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp đến chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Dự án. Theo đó, đơn vị đã thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” với 461 lao động tham gia quản lý, thi công. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức cho đội ngũ kỹ sư, công nhân ở tập trung tại 2 trường học trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

Tại đây, lực lượng lao động sẽ có xe đưa đón đi đến nơi làm việc và về lại chỗ ở theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến”. Riêng khu vực thi công trên biển, doanh nghiệp thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, ở tập trung trên các sà lan.

Lực lượng hậu cần khi mang thực phẩm đến phải cách ly với bộ phận làm việc “3 tại chỗ” trên biển. Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng lao động được xét nghiệm Covid-19 3 ngày/lần. Trước khi vào ở tập trung, toàn thể cán bộ, nhân viên được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, khi có kết quả âm tính mới triển khai thực hiện.

Dù chịu ảnh hưởng của  dịch Covid-19, nhưng tiến độ  Dự án đạt nhiều  kết quả khả quan.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tiến độ Dự án đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng, qua 2 lần kiểm tra tại Dự án, một điều đáng mừng là mỗi lần đến kiểm tra, khối lượng công việc của Dự án tiến triển rất nhanh, đảm bảo an toàn. Dự án có 2 phần thi công là trên đất liền và dưới biển. Mỗi khu vực có phương án phòng, chống dịch khác nhau.

Riêng đối với khu vực dưới biển, tất cả kỹ sư, công nhân trên công trường ăn ở và làm việc trên biển, chỉ có một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ hậu cần là ra vào đất liền để cung cấp lương thực, thực phẩm. Đến giờ này, an toàn lao động, an toàn phòng dịch tại Dự án rất đảm bảo.

“Dự án này tổ chức theo phương án “3 tại chỗ”, nhưng có điểm khác so với một số nơi khác. Do Dự án có khu vực thi công trên đất liền theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, để có khối lượng công việc như thế này, có thể nói, đội ngũ kỹ sư, công nhân thi công làm rất tích cực, có thời điểm làm cả ban đêm, ngày nghỉ; bởi áp lực tiến độ rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” - đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá.

TIẾP TỤC DUY TRÌ

Theo ông Hà Quốc Kiệt, trước tình hình dịch Covid-19, khó khăn của doanh nghiệp đang nằm ở việc bổ sung nhân sự. Mặt khác, công tác di chuyển, cung cấp trang thiết bị phục vụ thi công cũng bị chậm. Để đảm bảo tiến độ, đơn vị luôn chủ động đảm bảo an toàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để không làm gián đoạn tiến độ thi công. Theo đó, doanh nghiệp chia làm các tổ, bám sát các kế hoạch đã đề ra, triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ để đảm bảo tiến độ đến cuối tháng 10 đi vào vận hành.

Theo đồng chí Phạm Văn Trọng, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn được triển khai trong đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một dự án mang tính chất động lực, đà thu hút đầu tư phát triển vùng biển Gò Công.

Đồng chí Phạm Văn Trọng tin tưởng Dự án sẽ được đưa vào vận hành, khai thác đúng tiến độ vào cuối tháng 10-2021. Dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhưng Dự án đến giờ vẫn triển khai thi công liên tục, đây sẽ là một điểm nhấn.

Đồng thời chứng minh rằng, đây là một mô hình phòng, chống dịch hiệu quả trong sản xuất, thi công nếu chúng ta làm tốt phương án phòng, chống dịch phù hợp với từng đặc điểm của dự án.

Cũng theo ông Hà Quốc Kiệt, hiện đơn vị cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường dây 110 kV do còn một số hộ dân chưa đồng ý về mức giá hỗ trợ, đền bù. Hiện doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ của tỉnh, các huyện để làm việc, vận động với các hộ dân.

Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng tại một số huyện cũng đang tiến triển tốt. Doanh nghiệp đang kiến nghị với lãnh đạo tỉnh hỗ trợ để đảm bảo bàn giao mặt bằng vào giữa tháng 9 để thi công hoàn thành trong tháng 9-2021.

Theo đồng chí Phạm Văn Trọng, hiện tỉnh đang xem xét, thẩm định kiến nghị của chủ đầu tư Dự án về việc giải quyết cho một số chuyên gia nước ngoài vào công trường thi công. Các chuyên gia này đã đến nước ta và làm tất cả các thủ tục về lưu trú, y tế, chờ đến giai đoạn xuống công trường. Các chuyên gia này có nhiệm vụ thẩm định, chỉnh lý… và mặt kỹ thuật của Dự án.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang làm thủ tục kiến nghị cho một số công nhân đến công trường theo hướng tăng tốc độ thi công Dự án để đưa vào vận hành vào cuối tháng 10-2021. Một nội dung trọng tâm hiện nay của Dự án là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, do đó, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu chủ đầu tư Dự án phải thực hiện chặt chẽ công tác này, đặc biệt là đối với các hạng mục thi công trên đất liền.

M. THÀNH



 

.
.
.