Thứ Tư, 22/09/2021, 14:34 (GMT+7)
.

Gò Công Tây quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2021

Phấn đấu trong năm 2021, Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) trở thành huyện nông thôn mới (NTM) là một trong những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Gò Công Tây đã huy động cả hệ thống chính trị, cùng với nhân dân dồn sức thực hiện các tiêu chí huyện NTM.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Gò Công Tây đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp nông dân phát triển các mô hình sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Diện mạo các xã NTM ở huyện Gò Công Tây có nhiều khởi sắc. Ảnh: THU HOÀI
Diện mạo các xã NTM ở huyện Gò Công Tây có nhiều khởi sắc. Ảnh: THU HOÀI

Đến nay, huyện Gò Công Tây có 86,48% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn duy trì và đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên trong toàn huyện đạt 90,79%. Hộ nghèo trong huyện giảm còn 1,7%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, các mô hình sản xuất được nhân rộng có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông hộ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 57,13 triệu đồng/năm… Cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn với nhiều mô hình hiệu quả như: “Tuyến đường hoa”, “Dòng kinh thông thoáng”, “Cổng rào phòng, chống tội phạm”, “Nhà ở cho hộ nghèo”... Đến nay, huyện có 1 thị trấn đạt đô thị văn minh, 12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt NTM nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh Huỳnh Thị Kim Huệ cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng NTM, rồi NTM nâng cao, được người dân hưởng ứng rất cao. Phong trào đã tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, nông thôn đổi mới, đời sống phát triển, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Gò Công Tây còn một số khó khăn trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM như: Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, có hình thành liên kết theo chuỗi giá trị nhưng còn thiếu bền vững. Một số xã đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy có nhiều tiến bộ, nhưng tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn khá cao...

Theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò chủ thể và trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM, nhất là vai trò “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chính quyền địa phương cần phải tạo điều kiện để nhân dân bàn bạc, đóng góp ý kiến và quyết định những công việc liên quan đến lợi ích của dân trong xây dựng NTM.

Đồng thời, phát huy tối đa trí tuệ, tâm huyết, công sức, nguồn vốn của mỗi người dân cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay về xây dựng NTM. Cùng với đó là huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM trong thời gian sớm nhất có thể.

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

.
.
.